Ông Tập Cận Bình đem theo kế sách gì sang Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đem theo kế sách gì sang Mỹ để “làm việc” với Tổng thống Barack Obama nhằm giải quyết một loạt bất đồng đang tồn tại?

Truyền thông và giới quan sát quốc tế dự đoán hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ thảo luận những vấn đề đang được quan tâm giữa Mỹ và Trung Quốc là an ninh mạng, tình hình Biển Đông, hợp tác thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, hợp tác về chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran và Triều Tiên và có thể sẽ ký kết Hiệp định đầu tư song phương (BIT).
Ong Tap Can Binh dem theo ke sach gi sang My?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện khởi hành sang thăm chính thức Mỹ.
Tuy mục tiêu theo đuổi của mỗi bên là có khác nhau, nhưng có thể thấy là hai bên sẽ tìm cách dàn xếp và trì hoãn những mục tiêu có mâu thuẫn lợi ích. Và chắc chắn, nếu như dàn xếp, trì hoãn không thành công, hai bên sẽ phải thỏa thuận đổi chác lợi ích.
Ngoài hợp tác kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran và Triều Tiên là những vấn đề mà hai bên có thể đạt được đồng thuận lần này vì đều cần đến nhau, thì Mỹ-Trung Quốc đang có bất đồng sâu sắc về vấn đề Trung Quốc tấn công mạng máy tính của Mỹ và đang ngày càng độc chiếm Biển Đông đe dọa vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Với quan điểm "bảo vệ lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông, thì nhất định ông Tập Cận Bình sẽ không hề nhượng bộ trong vấn đề này.
Và để ép Mỹ phải chấp nhận quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, ông Tập sẽ dùng các hoạt động tấn công mạng máy tính Mỹ, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên làm những thứ để đưa ra đổi chác với Mỹ trong chuyến thăm lần này.
Để dẫn dụ, ông Tập Cận Bình dễ dàng chấp nhận với ông Obama về việc cam kết, thậm chí trừng phạt các đơn vị nghi hoạt động tấn công mạng và ủng hộ Mỹ trong vấn đề hạt nhân của hai nước kia. Nhưng song song với cái bẫy cầu hòa ấy, ông Tập dứt khoát không lùi một li trong vấn đề Biển Đông.
Cho nên người Mỹ cần hiểu rằng, Trung Quốc đã chủ đích muốn bảo vệ mục tiêu tấn công nào của mình thì sẽ tạo ra nhiều hướng tấn công vào các mục tiêu khác, để dụ đối phương rơi vào bẫy thỏa hiệp.  Đây vẫn là kế nghi binh liên hoàn để dụ đối phương lọt vào ma trận, mà từ thời xa xưa tổ tiên người Trung Quốc đã liên tục dùng rất nhiều, nổi tiếng nhất là thời Tam Quốc.
Vậy đối với Mỹ, vấn đề Biển Đông quan trọng đến mức nào?
Nhìn toàn cục, người Mỹ sẽ nhận thấy rằng trong vấn đề Biển Đông, Washinton chậm bước nào là Bắc Kinh thừa cơ chiếm chỗ bước đó, biến chỗ đã chiếm thành của mình. Và tất nhiên, đánh đuổi Trung Quốc là một việc mà Mỹ chưa bao giờ làm được và cũng sẽ không thể làm được.
Khi đã chiếm được Biển Đông, uy thế của Trung Quốc được tăng lên gấp nhiều lần và lúc đó tất nhiên chẳng có chuyện Trung Quốc kiêng nể địa vị độc tôn của Mỹ ở Thái Bình Dương mà không tràn sang “gặm nhấm” dần. Chính ông Tập Cận Bình cũng đã lộ ra cái đích nhắm đến khi từng nói: “Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho hai quốc gia lớn như Mỹ và Trung Quốc". Điều này cũng đồng nghĩa với viễn cảnh Mỹ sẽ bị mất vị thế độc tôn, thậm chí nếu như diễn biến xấu hơn, Mỹ sẽ phải ở "dưới trướng" của Trung Quốc.
Như vậy là, vấn đề Biển Đông mới là vấn đề Trung Quốc tạo ra  nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ. Điều này sẽ được khẳng định một cách chắc chắn, qua chiều hướng Trung Quốc có thể chịu nhượng bộ với Mỹ trong các hướng tấn công (nghi binh) khác, nhưng riêng vấn đề Biển Đông và vấn đề Đài Loan thì tuyệt đối không.
Các chuyên gia cho rằng ông Tập Cận Bình đề nghị với ông Obama về việc muốn được "đối xử như một cường quốc quan trọng" trong khuôn khổ "mối quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn". Trung Quốc cũng muốn Mỹ chấp nhận việc đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời phản ứng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan (để gây sức ép với Mỹ). Đây thực là kế dùng nhiều hướng tấn công nhiều mục tiêu để ép đối phương buộc phải chọn những mục tiêu thỏa hiệp theo ý đồ của ông Tập.
Đó chính là những bước đi ngầm lấn át Mỹ của Trung Quốc, được ông Tập khéo léo ngụy trang. Nhưng thực chất, qua sự kiên trì lấn tới đó, ông Tập đã lộ ý đồ muốn tạo lập uy thế với Mỹ. Mà khi đã có uy thế lớn hơn, Trung Quốc tất nhiên sẽ tìm cách thay thế Mỹ, đảo chiều cán cân quyền lực, đẩy Mỹ xuống “chiếu dưới”.Dư luận Mỹ và cả cộng đồng quốc tế đang dõi xem ông Obama  xử lí thế nào trước những “cạm bẫy ngọt ngào” trong cuộc gặp sắp tới ở Nhà Trắng.
Phạm Mạnh Hà

Bình luận(0)