Bắt đầu vào tuần tới, đây lần đầu tiên Nga-Trung tập trận chung ở Địa Trung Hải. Trong khi đó, kể từ năm 2012, hai quốc gia này duy trì các cuộc tập trận hải quân thường niên ở Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp báo hàng tháng, Phát ngôn viên Cảnh Nhạn Sinh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói: “Mục đích (của cuộc tập trận) là làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác thiết thực và thân thiện giữa hai nước cũng như tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân Nga-Trung trước các mối đe dọa an ninh hàng hải”. Đồng thời, ông Cảnh Nhạn Sinh khẳng định: “Các bài tập không nhắm tới bất cứ bên thứ ba nào cũng như không liên quan tới tình hình an ninh khu vực”.
|
Tàu hải quân Nga và Trung Quốc tập trận ngày 24/5/2014.
|
Nhân sự kiện này, trang mạng Sina Military nêu ra bốn nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh và Moscow quyết định chọn Địa Trung Hải làm nơi tiến hành
cuộc tập trận hải quân chung.
Lý do đầu tiên đó là Nga mong muốn làm sâu sắc thêm nữa mối quan hệ với Trung Quốc. Nga và Trung Quốc hiện là các đối tác toàn diện chiến lược với những điểm năng động khác với mối quan hệ đồng minh truyền thống.
Không giống với kiểu quan hệ đồng minh bất bình đẳng giữa Mỹ và các nước khác, Trung Quốc và Nga được cho là đối tác bình đẳng.
Thứ hai, Moscow cũng muốn tăng cường sự hiện diện ở Địa Trung Hải và thể hiện mối quan hệ khăng khít đặc biệt với Bắc Kinh. Xa hơn nữa, thông qua mối quan hệ-hợp tác với Trung Quốc, Nga còn muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Điều này còn phát huy hiệu quả khi Nga đến với Trung Đông. Người Nga muốn truyền đạt tới các nước khu vực Trung Đông rằng Moscow sẽ không bỏ rơi họ bất chấp các rắc rối từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chưa kể, Trung Quốc cũng muốn chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như khả năng đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải quốc tế. Một lượng lớn dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc có nguồn gốc từ hai khu vực trên và quốc gia châu Á này đang gia tăng các hoạt động xuất khẩu sang Châu Âu. Đặc biệt, Địa Trung Hải lại là điểm giao thoa của cả ba vùng này (gồm Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu), qua đó mang lại cơ hội tuyệt vời cho Trung Quốc thúc đẩy sự hiện diện ở vùng biển này.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Putin tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2014.
|
Trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ phô trương sức mạnh quân sự ở Địa Trung Hải. Do vậy, cuộc tập trận chung dịp này sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc có thêm kinh nghiệm chiến đấu trong khi chứng tỏ cho các nước liên quan thấy rằng Bắc Kinh có khả năng thiết lập một tuyến đường biển an toàn tới Châu Âu.
Cuối cùng, cuộc tập trận này cũng là dịp để Nga-Trung thể hiện mối quan hệ “keo sơn gắn bó” của hai nước trước Châu Âu. Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Châu Âu trong khi không quốc gia nào ở lục địa già này lại muốn làm kẻ thù đối đầu với một Trung Quốc lớn mạnh. Theo đó, thông qua quyết định tập trận với Nga – một quốc gia đang bị phương Tây “xa lánh”, Trung Quốc mong muốn gửi một thông điệp tới Châu Âu rằng, Bắc Kinh sẽ luôn “kề vai sát cánh” với Moscow trong giai đoạn đầy sóng gió hiện nay.
Hơn nữa, Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo các nước Châu Âu hưởng ứng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng mới đây.