Vì sao Mỹ không còn ưu tiên lật đổ Assad?

Google News

(Kiến Thức) - Quay lưng với chính sách lật đổ Assad của Tổng thống Obama là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Trump theo đuổi lập trường thực tế hơn đối với Syria.

Nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad không còn là ưu tiên của Mỹ ở Syria nữa.
Ngày 30/3, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói với các nhà báo: “Ưu tiên của chúng tôi không còn tập trung vào việc lật đổ Assad”.
Vi sao My khong con uu tien lat do Assad?
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh tại một cuộc họp báo tại Ankara rằng "qui chế của Tổng thống Assad trong tương lai sẽ do người Syria quyết định”. Ảnh: Reuters 
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh tại một cuộc họp báo vào ngày 30/3 tại Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, rằng "qui chế của Tổng thống Assad trong tương lai sẽ do người Syria quyết định”.
Các nhà quan sát đánh giá lập trường nói trên là một sự thay đổi mạnh mẽ  chính sách Syria của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Câu thần chú "Assad phải ra đi" là mệnh lệnh bắt buộc của Nhà Trắng dưới thời Obama.
Vladimir Bruter, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính trị và Nhân đạo Quốc tế, tin rằng sự thay đổi trong lời nói cho thấy Washington quyết định thông qua cách tiếp cận thực tế các vấn đề Syria.
Nhà khoa học chính trị Vladimir Bruter cho rằng ngay từ đầu, lập trường của Mỹ đối với cuộc xung đột Syria đã "có tính chất phá hoại" và dẫn đến một số lượng lớn nạn nhân ở Syria. Ông lưu ý chính quyền Mỹ có thể tiếp tục chính sách Syria của Tổng thống Obama hoặc thừa nhận thực tế rằng Bashar al-Assad vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất ở Syria.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhóm đối lập phát đi tín hiệu sẵn sàng tham gia hòa đàm về Syria và tiến hành đối thoại chính trị, Bruter nhấn mạnh. Theo ông Bruter, chẳng sớm thì muộn, tất cả các bên hữu quan sẽ nhận ra sự cần thiết của một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria.
Nhà khoa học chính trị Bruter nhấn mạnh: "Mỹ đã nhận ra điều này. Đó là một động thái rất tích cực và nó có nghĩa là cánh cửa cho các cuộc đàm phán được mở ra. Chúng ta hy vọng rằng nó sẽ thành công bởi vì cuộc chiến Syria phải chấm dứt”.
Nhà khoa học chính trị Nga Viktor Olevich cũng tán đồng ý kiến của đồng nghiệp Bruter. Theo ông, sự can dự của Nga trong cuộc xung đột Syria đã buộc Washington phải xem xét lại lập trường đối với Damascus. Ông Olevich nói với RT: "Những nỗ lực lật đổ của các nước phương Tây đã chứng tỏ là vô ích. Bây giờ Mỹ sẽ phải đàm phán với các bên chủ chốt khác trên thực địa, trong đó có Nga”.
Ông Olevich nhấn mạnh rằng tuyên bố của đại sứ Haley và Ngoại trưởng Tillerson "phản ánh sự thay đổi tình hình trong khu vực”. Hơn nữa, nó cho thấy Mỹ đã hiểu rằng "họ không còn có thể quyết định tương lai của các quốc gia và các chính phủ của họ một cách đơn phương". Ông bày tỏ hy vọng rằng Washington sẽ thông qua một lập trường thực tế hơn đối với những gì đang xảy ra trên thực địa và nhấn mạnh: "Sự đồng thuận của các bên tham chiến về tương lai của Syria như thế nào sau khi kết thúc xung đột sẽ là chìa khóa để chấm dứt chiến tranh”.
Theo các nhà khoa học chính trị, người ta sẽ có thể nói về việc hoàn thành giai đoạn quân sự của cuộc xung đột ở Syria chỉ khi các cầu thủ chủ chốt đạt được thỏa hiệp.
Bình luận về tuyên bố của hai ông Tillerson và Haley, Alexei Pushkov - một thành viên cao cấp của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) - nhấn mạnh rằng sự thay đổi này là sự thừa nhận thất bại của chính sách Obama tại Syria.
Trên Twitter, ông Pushkov viết: "Người Mỹ không còn coi việc loại bỏ Assad là ưu tiên của họ ở Syria. Sự thay đổi này là sự công nhận quyền lực của ông Assad và cho thấy chính sách Syria của (Tổng thống tiền nhiệm) Obama đã thất bại”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)

>> xem thêm

Bình luận(0)