Vì sao dân chúng phương Tây không muốn đánh Syria?

Google News

Các kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy dân chúng Mỹ và Châu Âu đều phản đối mạnh mẽ hành động quân sự chống chế độ Assad.

Biểu tình phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
Kết quả thăm dò của Quỹ German Marshall - cơ quan nghiên cứu quan hệ xuyên Đại Tây Dương - cho thấy thái độ phản đối một cuộc can thiệp quân sự vào Syria trong thời gian qua đã gia tăng đồng thời tại tất cả các nước tham gia khảo sát, gồm Mỹ và 10 nước châu Âu so với năm 2012.
Tại Đức, tỷ lệ dư luận phản đối đã tăng từ 63% lên 75%, tại Anh từ 59% lên 70%, tại Pháp từ 50 lên 65%, tại Mỹ từ 55% lên 62%. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang kêu gọi lật đổ chế độ Syria, tỷ lệ phản đối chiến tranh cũng chiếm đa số, lên đến 72%.
Tại Pháp, theo một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ifop thực hiện và công bố ngày 7/9 cho báo Le Figaro, mức độ ủng hộ can thiệp quân sự đã giảm rất mạnh trong những ngày gần đây. Nếu trong tháng 8, có đến 55% người dân Pháp nói ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự quốc tế, thì hiện nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 36%.
Thực tế, dư luận phương Tây đã vận động theo xu hướng ngược chiều với những diễn biến đã xảy ra vào thời điểm trước các cuộc tấn công của Mỹ và NATO vào Kosovo, Serbia hay giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Afghanistan, khi các nước đồng minh phương Tây được khá đông người dân trong nước ủng hộ.
Gần đây hơn, cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Mali cũng đã nhận được sự hậu thuẫn của 2/3 đến 3/4 người dân Pháp.
Vì đâu nên nỗi? Đầu tiên, đó là hiện tượng chán ngán của người dân tại các nước phương Tây, vốn từ năm 2001 đến nay liên tục chứng kiến quân đội tham gia hết cuộc xung đột này đến chiến dịch khác nhưng không mang lại một kết quả cụ thể nào. Hai nước Afghanistan, Iraq vẫn chưa một ngày ổn định, trong khi tình hình tại Libya không phải là một kết cục có hậu.
Thứ hai là bản chất của phe nổi dậy Syria, vốn là một tập hợp không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn gay gắt với nhau, trong đó có sự hiện diện của không ít phần tử Hồi giáo cực đoan với hàng loạt hành vi và phương pháp hoạt động dã man được đăng tải trên một số mạng xã hội, gây bất mãn cho dư luận.
Ngoài hai vấn đề nói trên, còn phải kể đến thái độ nghi ngờ của một bộ phận dư luận phương Tây đối với tình hình tại Trung Đông sau “Mùa xuân Arập”.
Ám ảnh của cuộc chiến tranh Iraq vẫn đeo bám nước Mỹ và đã khiến cho Thủ tướng Anh David Cameron bị Hạ viện "tuýt còi" trong cuộc bỏ phiếu về Syria ngày 29/8.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)