Assad vẫn thắng bất kể Mỹ làm gì với Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Bất kể Mỹ đánh hay không đánh Syria, Tổng thống Assad vẫn có những lý do chính đáng để kiêu hãnh vì cuối cùng, ông vẫn sẽ là người chiến thắng.

 Tổng thống Assad.
Nếu Tổng thống Obama cuối cùng không phát động tấn công Syria sau khi mạnh mẽ cáo buộc chế độ Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus khiến hàng nghìn người vô tội thiệt mạng, Tổng thống Assad có thể kiêu hãnh tuyên bố đã chế ngự được Mỹ.
Nếu chính quyền Obama quyết tâm can thiệp quân sự vào Syria và tuyên bố một cuộc tấn công như vậy không có mục đích lật đổ chế độ Assad. Từ đó, Tổng thống Syria có thể tự hào mà tuyên bố rằng, ông hoàn toàn có khả năng đối đầu với Mỹ, cường quốc số 1 thế giới.
Dù Mỹ quyết định hành động thế nào, trong cả hai trường hợp trên, Tổng thống Assad dường như đều là người chiến thắng. Và đây rõ ràng là một cái bẫy mà không một vị tổng thống Mỹ sáng suốt nào muốn sa  vào.
Trong suốt gần 4 giờ điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đầu tuần này, Thượng Nghị sĩ Marco Rubio đã chất vấn Ngoại trưởng John Kerry bằng câu hỏi hóc búa rằng: “Một trong những mối bận tâm của tôi và nhiều người là Tổng thống Assad có thể chống chọi cuộc tấn công trong 3 ngày, 5 ngày, 6 ngày và cũng có thể lâu hơn. Rồi đến lúc đó ông ta sẽ có thể kiêu hãnh mà tuyên bố rằng: 'Tôi đang đương đầu với nước Mỹ nhưng tôi vẫn giữ vững quyền lực, vẫn sống và chiến đấu'. Tuyên bố như vậy có khả năng khuyến khích, cổ vũ tinh thần mạnh mẽ không chỉ trong nước mà thậm chí, cả ở nước ngoài. Vậy ta đã tính đến kịch bản này hay chưa?”
Ngoại trưởng John Kerry thẳng thắn khẳng định, Mỹ nắm quyền kiểm soát trong trò chơi đỏ đen này
“Chúng tôi đã tính đến kịch bản này. Assad sẽ sống sót, ý tôi là ông ta sẽ chống chọi được và vượt qua cơn hoạn nạn. Tổng thống đã kêu gọi hành động quân sự hạn chế để làm suy giảm khả năng hiện tại của ông ta và kìm chế ông ta. Tổng thống không xin quốc hội cấp phép để lật đổ hoàn toàn chế độ này. Do đó, ông ta (Assad) sẽ có khả năng chống chọi, đương đầu và dĩ nhiên sẽ cố nói điều gì đó có lợi cho mình”.
Trước đó, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh ngay từ đầu rằng bất cứ hành động quân sự nào mà Mỹ phát động để trả đũa cho vụ tấn công hóa học ngày 21/8 đều không nhằm mục đích lật đổ Assad. Đó là chuyện riêng của người dân Syria. Ông chủ Nhà Trắng lập luận, kế hoạch tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu chiến lược của Syria chỉ đơn giản là “nhằm ngăn chặn và làm suy giảm khả năng của Tổng thống Assad” để chế độ này không thể thực hiện thêm "bất cứ vụ tấn công hóa học nào khác nữa”.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo kế hoạch mà ông chủ Nhà Trắng vạch ra sẽ thành công. Một cuộc tấn công giới hạn nhằm vào Syria sẽ ngăn chặn, kìm chế các hành động của Tổng thống Assad? Chẳng hạn, sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa để duy trì quyền lực? Bình luận của Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Martin Dempsey trong phiên điều trần đầu tuần này dễ làm dấy lên nỗi sợ hãi đối với nhiều người.
“Tôi cho rằng, ông ta (Assad) giờ đây đã đạt đến mức cho rằng các chất hóa học cũng chỉ như một loại vũ khí thông thường trong kho vũ khí của ông ta mà thôi. Điều đó rất nguy hiểm”, Tướng Dempsey nhấn mạnh.
Do đó, chính quyền Obama tin rằng không làm gì còn tồi tệ hơn. Song đến nay, vẫn chưa có gì chắc chắn Washington sẽ tấn công Syria khi  truyền thông ngày 6/9 đưa tin kế hoạch can thiệp quân sự có thể bị hoãn thêm 2 tuần vì Quốc hội Mỹ yêu cầu có thêm thời gian thảo luận, cân nhắc.
Bạch Dương (Theo Atlantic)

Bình luận(0)