Obama đánh cược cả nhiệm kỳ tổng thống vào Syria

Google News

(Kiến Thức) - Biểu quyết của Quốc hội Mỹ về việc đánh hay không đánh Syria được xem là vụ đặt cược lớn đối với cả nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.

 Tương lai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama phụ thuộc vào vụ biểu quyết về Syria của Quốc hội Mỹ sắp tới.
Trong khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu quyết định đề nghị sử dụng vũ lực ở Syria của chính quyền cũng là lúc tương lai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama bị đặt vào tình thế nguy hiểm.
Một thất bại – hoàn toàn có khả năng - đối với Tổng thống Obama khi không thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết tấn công Syria sẽ trở thành trở ngại lớn cho ông để hoạch định và quyết định các vấn đề đối nội, đối ngoại.
Trong nước, ông chủ Nhà Trắng đang vật lộn với các cuộc chiến khác liên quan đến các vấn đề tài chính, dự luật nhập cư, trong đó, đối thủ của ông là các nghị sĩ Cộng hòa. Ngoài ra, còn một cuộc chiến liên quan đến việc đề cử người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang mới.
Cụ thể, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn vào tháng 10 tới khi đương đầu với yêu cầu của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa hòa để cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc nâng giới hạn vay mượn quốc gia và trần nợ công.
Ông cũng sẽ phải đối đầu với một cuộc chiến tiềm năng nếu bổ nhiệm ông Larry Summers thay thế ông Ben Bernanke làm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang.
Không có gì phải nghi ngờ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ lợi dụng thất bại của ông Obama để trục lợi. Tổng thống của đảng Dân chủ sẽ lại vướng vào một loạt chỉ trích như lãnh đạo yếu kém. Trong khi đó, đối với các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ không can thiệp vào Syria, một kết quả như mong muốn của họ sẽ củng cố quan điểm  cho rằng chính quyền tốt nhất nên dành toàn lực chuẩn bị cho cuộc chiến tài chính vào mùa thu tới.
So với những bất lợi ở trong nước, đối với Tổng thống Obama mà nói, các thiệt hại trên trường quốc tế, ngoài Syria, dễ dàng nhìn thấy hơn.
Thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ cho phép can thiệp vào Syria sẽ cực kỳ bất lợi đối với Tổng thống Obama trong một thời điểm hết sức quan trọng và nhạy cảm, khi ông không chỉ đối mặt với các thách thức đến từ Syria mà còn Iran và Triều Tiên.
Rõ ràng, đối với Tổng thống Obama và đội ngũ an ninh quốc gia của ông, việc biểu quyết về vấn đề Syria dường như là một phép thử cho việc liệu họ có thể trông cậy và đặt cược vào Quốc hội Mỹ hay không nếu bế tắc hạt nhân Iran và Triều Tiên vượt qua "vạch đỏ", một quan chức Mỹ tiết lộ.
Sự phủ quyết tiềm năng lần này của Quốc hội Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ đến việc Tổng thống Obama tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội trong những lần tiếp theo nếu cảm thấy cần phải sử dụng vũ lực đối với một đối tượng nào đó.
Không nhắc đến Tổng thống Obama, Ngoại trưởng John Kerry đã vẽ ra một bức tranh thảm khốc trong phiên điều trần về nghị quyết can thiệp quân sự vào Syria rằng, nếu Quốc hội Mỹ "nói không", Iran, Triều Tiên và các nhóm khủng bố sẽ được tiếp thêm sự liều lĩnh, táo bạo để sử dụng các loại vũ khí bất hợp pháp.
Ông David Rothkopf - cựu quan chức chính quyền Bill Clinton và nay là chủ tịch một tổ chức tư vấn quốc tế - nhấn mạnh, việc Quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria do chính quyền khởi xưởng sẽ là “thảm họa” đối với Tổng thống Obama.
“Trường hợp này sẽ biến Tổng thống (Obama) thành 'vịt què'. Ông ấy có lẽ sẽ trở nên yếu đi và mất đi nhiều khả năng quyết đoán trong suốt thời gian tại nhiệm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình”, ông Rothkopf nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Học giả George Edwards ở Đại học Texas A&M bình luận việc “Quốc hội Mỹ bác kêu gọi can thiệp quân sự vào Syria sẽ là cái tát trời giáng dành cho Tổng thống. Nó dường như sẽ trở thành sợi dây trói buộc tay chân ông ấy”.
Chưa hết, Tổng thống Obama thậm chí sẽ rơi vào thế bất lợi nhiều hơn nếu các nghị sĩ đảng Dân chủ của ông bỏ phiếu chống lại ông – điều mà ở thời điểm này hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, về phía Tổng thống Obama, sau khi đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng vũ lực ở Syria, ông lạc quan nhấn mạnh: “Uy tín của tôi không bị đe dọa. Sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế mới đang bị đe dọa. Sự tín nhiệm của Quốc hội Mỹ và nước Mỹ mới đang bị đe dọa”.
Bạch Dương (Theo Reuters)

Bình luận(0)