Tối 17/9, Tổng thống Obama đột ngột ghé thăm Ngoại trưởng Kerry tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Chuyến thăm này không hề có trong lịch làm việc của Tổng thống Obama. Nội dung cuộc trao đổi giữa Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry không được tiết lộ, nhưng chủ đề thảo luận chắc chắn là cuộc nội chiến Syria.
|
Nước cờ "gia tăng hiện diện quân sự" ở Syria của Tổng thống Putin đã đẩy Tổng thống Obama vào thế bí.
|
Tình hình Syria đột biến đến mức Washington phải xét lại cách tiếp cận hiện hành, điều mà người ta không thể nghĩ tới chỉ cách đây vài tuần. Mỹ đã phải “nói chuyện” với Nga về tình hình Syria, cả về ngoại giao lẫn quân sự. Lần đầu tiên trong hơn một năm qua, hai vị bộ trưởng quốc phòng
Nga-Mỹ đã điện đàm với nhau, không chỉ một vài phút xã giao mà đó là cuộc điện đàm kéo dài tới 50 phút. Và chủ đề của cuộc điện đàm này cũng vẫn là cuộc nội chiến Syria.
Đối với Tổng thống Obama, các cuộc “nói chuyện” với nước Nga luôn là vấn đề nhạy cảm. Hồi tháng 3/2014, ông đã ra lệnh đình chỉ đối thoại quân sự với Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Đó là chưa kể, ông có lập trường hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Nga Vladimir Putin về nội chiến Syria: Ngay từ đầu, ông Obama muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn ông Putin thì làm cái điều ngược lại.
Việc hai bộ quan trọng của chính quyền Obama buộc phải điện đàm với Nga về vấn đề Syria là có lý do, liên quan đến cả đối nội lẫn đối ngoại.
Hai bên đều có lý do chính đáng để đánh IS
Tình hình Syria đang ngày càng xấu đi buộc Nga và Mỹ phải xích lại gần nhau. Đất nước Syria đã ở trong tình trạng hỗn loạn, phiến quân IS đang mặc sức hoành hành và cuộc khủng hoảng tị nạn đang khiến cho cả Liên minh Châu Âu bị rối tung như “gà mắc tóc”. Trong khi đó, Washington và Moscow đều có lý do chính đáng để đánh nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng. Mỹ lo ngại bị tấn công khủng bố, còn Moscow coi phiến quân IS là một hiểm họa to lớn tiền tàng đối với các nước đồng minh ở Trung Á và ở các nước cộng hòa Chechnya, Dagestan…thuộc Liên bang Nga.
Kể từ nhiều tuần qua, chính quyền Obama rất “đau đầu nhức óc” trong việc tìm hiểu động cơ đích thực của việc Nga ồ ạt đổ vũ khí (và binh lính) vào Syria. Không những thế, Điện Kremlin còn không loại trừ khả năng đưa bộ binh tham chiến ở Syria.
Tuần tới, Tổng thống Nga Vladimir sẽ đến New York để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tại diễn đàn quan trọng nhất thế giới này, chắc chắn ông Putin sẽ kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng. Việc Mỹ đột ngột thảo luận với Nga đồng nghĩa với việc tránh để cho Tổng thống Putin “cướp diễn đàn” tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đối với Tổng thống Putin, việc Mỹ buộc phải “nói chuyện” đồng nghĩa với sự thừa nhận rằng không thể giải quyết cuộc chiến ở Syria mà thiếu sự can dự của nước Nga.
Nhà bình luận Dmitrij Trenin của Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định: "Mục tiêu của Nga là buộc Mỹ phải nói chuyện về vấn đề Syria. Xét theo khía cạnh này, ông Putin đã thành công”.
Chiến lược chống IS của chính quyền Obama “thất bại”
Tổng thống Obama đang ngày càng chịu nhiều sức ép ở trong nước về cung cách hành xử đối với vấn đề Syria. Người ta chỉ trích ông “thất bại” trong cuộc chiến chống phiến quân IS. Phe này nói ông Obama lẽ ra không nên can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, còn phe kia thì lại chỉ trích ông can thiệp quá ít.
Thế nhưng, cả hai phe đều nhất trí với nhau ở một điểm. Đó là chiến dịch không kích phiến quân IS và chương trình đào tạo 5.000 quân nổi dậy Syria “ôn hòa” của chính quyền Obama đã hoàn toàn bị phá sản. Mới đây, tướng Lloyd J. Austin đã phải thú nhận trước Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng hiện chỉ còn có “4 hoặc 5” quân nổi dậy được Mỹ đào tạo thông qua chương trình huấn luyện 500 triệu USD…đang chiến đấu chống phiến quân IS.
Vậy các cuộc điện đàm Nga-Mỹ về Syria sẽ có kết quả như thế nào? Cho đến nay, quan hệ Nga-Mỹ liên quan đến Syria vẫn chỉ gói gọn trong các cuộc “thảo luận có tính xây dựng” và nhằm thu hẹp bất đồng.
Nhà phân tích Trenin thận trọng nhận định: "Rất có thể, hai bên tìm cách tránh ngáng chân nhau trong cuộc chiến chống IS ở Syria”.
Mức độ sâu rộng của hợp tác Nga-Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS sẽ phụ thuộc phần nào vào số phận của Tổng thống Assad. Cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn kiên quyết ủng hộ đương kim Tổng thống Syria, còn Tổng thống Obama cũng sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu lật đổ ông này, một phần do sức ép trong nước. Nếu ông Obama tỏ ra nhượng bộ về số phận của Tổng thống Assad, thì phe Cộng hòa sẽ có cớ để công kích phe Dân chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ cuối năm 2016.