Phóng viên Andrey Ivanov của đài Sputnik, vừa trở về từ Bình Nhưỡng, có bài phân tích sau đây:
"Đánh giá kết quả Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên, một số chuyên gia gọi đây là một sự kiện cho thấy CHDCND Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) quyết tâm tiếp tục phát triển theo con đường đã được lựa chọn. Có lẽ điều này là đúng, nhưng con đường này sẽ dẫn đến đâu?"
“Để hiểu điều này, nên phân tích những hiện tượng rất khác nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau, trong cuộc sống ở miền bắc Triều Tiên”.
|
Thủ đô Bình Nhưỡng khá hiện đại. Ảnh Sputnik |
“Khi chiếc máy bay tiến gần sân bay Bình Nhưỡng, chúng tôi đã thấy các cánh đồng phì nhiêu với những ngôi nhà rực rỡ sắc màu. Cách đây 16 năm, trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Triều Tiên, tại khu vực sân bay chỉ có những công trình sơn màu xám buồn buồn mà có vẻ không ai có thể sống ở đó. Trên đường từ sân bay quốc tế đến thủ đô Bình Nhưỡng, chúng tôi đã thấy những chiếc xe khá hiện đại. Trên các đường phố và trong các làng nhỏ chúng tôi đã thấy những người ăn mặc đẹp đi bộ và đi xe đạp”.
|
Khu dân cư với những toà nhà 40-50 tầng. Ảnh Sputnik |
“Bình Nhưỡng đã thay đổi. Ở đây đã xuất hiện các khu dân cư với những toà nhà 40-50 tầng. Trước đây, trên các đường phố của thủ đô có thể thấy rất nhiều người xếp hàng ở trạm xe buýt, đợi rất lâu nhưng vẫn không thấy xe trolleybus và xe buýt. Bây giờ không thấy những người xếp hàng dài và trong số rất nhiều phương tiện giao thông công cộng có nhiều loại được sản xuất ở miền bắc Triều Tiên. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều xe taxi và xe hơi được sản xuất ở Triều Tiên, cũng như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Không chỉ các quan chức mà cả người dân thường cũng đi xe taxi và xe hơi”.
“Điều đáng lưu ý là, người dân Bình Nhưỡng không còn né ra một bên khi thấy người nước ngoài. Nhiều người thậm chí sẵn sàng trả lời câu hỏi của các nhà báo. Họ thường ca ngợi nhà lãnh tụ thông thái Kim Jong-un và nói về cuộc sống tốt đẹp của họ nhờ vào lao động của mình và sự chăm sóc của đảng”.
|
Một vườn trẻ ở Bình Nhưỡng. Ảnh Sputnik
|
“Để tận mắt thấy cuộc sống của người dân địa phương, tôi đã rời khỏi khách sạn vào buổi tối, mà không báo cáo cho các hướng dẫn viên. Sau 15 phút tôi đã đến đường phố Mirai (Tương Lai) với các tòa nhà chọc trời. Trong chuyến đi bộ này tôi đã rút ra những kết luận như sau: trong những khung cửa sổ của các tòa nhà chọc trời có ánh đèn, có nghĩa là ở đó có người ở cũng như trong các toà nhà thấp hơn và đơn giản hơn bố trí xung quanh. Trong khung cửa sổ của các cửa hàng và các quầy hàng thực phẩm cũng có ánh đèn, ở đó có thể thấy những thứ hàng giống như ở Liên Xô cũ hồi những năm 70. Các cư dân Bình Nhưỡng không phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực thực phẩm. Các hướng dẫn viên đã giải thích với chúng tôi rằng vài năm qua, trong nước đã gia tăng mạnh số lượng các trang trại nông dân chuyên cung cấp các loại nông sản”.
“Ngành công nghiệp cũng đang phát triển. Chúng tôi đã đến thăm hai nhà máy ở Bình Nhưỡng — cơ sở sản xuất dây cáp điện và nhà máy sản xuất sợi và cảm thấy khâm phục không chỉ các phân xưởng sản xuất sạch sẽ mà còn các cơ sở vui chơi giải trí và dịch vụ cho các nhân viên của hai xí nghiệp này. Sân thể thao và phòng máy tính, phòng tắm hơi, bể bơi, nhà hàng và trường mẫu giáo tuyệt vời đều có chất lượng cao và không thua kém và đôi khi vượt trội so với các cơ sở tương tự đã từng có tại các xí nghiệp tốt nhất của Liên Xô cũ”.
“Chỉ những người ngây thơ mới dự đoán rằng tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 7, ông Kim Jong-un sẽ công bố việc bắt đầu công cuộc cải cách triệt để. Triều Tiên không sử dụng cụm từ ‘cải cách’. Bởi vì ‘cải cách’ có nghĩa là trong nước có cái gì đó cần phải được cải thiện. Trong khi đó, đường lối phát triển của CHDCND Triều Tiên do Chủ tịch lập quốc Kim Il-sung lựa chọn là con đường đúng đắn duy nhất. Triều Tiên tin chắc như vậy. Đây là hệ tư tưởng Chủ thể (tự lực tự cường). Vì vậy, không nên sao chép kinh nghiệm của người khác ví dụ như kinh nghiệm của Trung Quốc hay Việt Nam. CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục đi theo con đường riêng của mình”.
|
Nhà máy sợi ở Bình Nhưỡng. Ảnh Sputnik
|
“Tuy nhiên, mặc dù tuyên bố theo đuổi hệ tư tưởng Chủ thể, CHDCND Triều Tiên đã nhận được viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc. Theo đánh giá của một số chuyên viên, sự trợ giúp của Liên Xô vốn chiếm 80 %. Sau sự tan rã của Liên Xô, sự hỗ trợ này đã giảm mạnhvà Triều Tiên phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Trong bối cảnh này ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã phải thông qua quyết định vào cuối năm 1990 — đầu những năm 2000 cho phép phát triển hợp tác xã, mà trên thực tế là khu vực tư nhân. Biện pháp này đã giúp giải quyết một số vấn đề, bao gồm cả vấn đề cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân”.
“Nhưng, trong nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và ông Kim Jong-un đã nói về điều đó trong bản báo cáo tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 7: cần phải khắc phục sự lạc hậu về kinh tế, kể cả thông qua các hình thức hợp tác kinh tế. Theo một số chuyên gia Nga, Bình Nhưỡng đang nghiên cứu kỹ lưỡng những kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam và các cuộc cải cách ở Nga”.
“Mặt khác, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un không thể công khai thừa nhận rằng Triều Tiên cần phải thực hiện các cuộc cải cách. Và không phải vì ông gặp phải sự kháng cự quyết liệt của phe bảo thủ trong quân đội và trong đảng. Ông Kim Jong-un đã củng cố vị thế của mình trong giới thượng lưu của CHDCND Triều Tiên và có đủ sức để vượt qua sự kháng cự của họ”.
“Vấn đề chính là ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Trong nhiều thập kỷ, họ đã được giáo dục để củng cố lòng trung thành với hệ tư tưởng của ông Kim Il-sung, hệ tư tưởng Chủ thể. Không thể ngay lập tức từ bỏ hệ tư tưởng này, vì như vậy có thể gây ra những biến động không mong muốn”.
“Trung Quốc cũng không làm như vậy. Khi bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường, Trung Quốc vẫn duy trì hệ tư tưởng Mao Trạch Đông như một biểu tượng, để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Còn ở CHDCND Triều Tiên, cốt lõi tư tưởng vẫn là các nhà lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il, cũng như hệ tư tưởng Chủ thể. Tất nhiên, chính sách ưu tiên quân sự (Songun) là yếu tố chính bảo đảm an ninh và độc lập. Chính sách này là đặc biệt quan trọng vào thời điểm hiện nay, khi cả Mỹ lẫn Hàn Quốc không muốn tiến hành đàm phán với CHSCND Triều Tiên trong điều kiện mà các bên có thể chấp nhận được. Hai nước này tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng và vẫn không từ bỏ ý định bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên. Rõ ràng, Mỹ và Hàn Quốc hy vọng có thể làm suy yếu chế độ Bình Nhưỡng và thống nhất hai miền Triều Tiên dưới quyền kiểm soát của Seoul theo kịch bản Đức”.
“Để tránh bị Hàn Quốc thôn tính, CHDCND Triều Tiên cần phải tăng trưởng kinh tế và củng cố khả năng quân sự. Nhưng, đây là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không tiến hành các cuộc cải cách thực sự trong nước, theo mô hình Trung Quốc hoặc mô hình Việt Nam”.