Tổng thống Duterte đã đưa ra bảo đảm như trên, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27/7 tại dinh tổng thống Malacañang.
Phát ngôn viên Phủ tổng thống Ernesto Abella nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: "Tổng thống (Duterte) đã tuyên bốrằng bất cứ cuộc đàm phán nào mà chúng tôi tham gia đều sẽ bắt đầu với phán quyết PCA (về Biển Đông)”.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chào đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại dinh tổng thống Malacañang tại Manilangày thứ Tư, ngày 27/7/2016. Ảnh: AP |
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã bác bỏ yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc dựa vào cái gọi là “đường 9 đoạn” và bao trùm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết PCA và gọi đó là "trái pháp luật ngay từ đầu”. Mỹ tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, nhưng ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng pháp luật quốc tế.
Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Kerry cũng khẳng định tính mật thiết trong quan hệ Philippines-Mỹ, hai nước đã ký một hiệp ước quốc phòng trong năm 1951. Phát ngôn viên Abella nói thêm: "Hai bên cũng thảo luận về những mối quan tâm chung: khủng bố, tội phạm, ma túy, cuồng tín tôn giáo và an ninh hàng hải”.
Ngoại trưởng John Kerry: Phán quyết PCA “có tính ràng buộc”
Trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay sau cuộc hội đàm ở Bộ Ngoại giao Philippines (DFA), Ngoại trưởng John Kerry nói: “Phán quyết của PCA ràng buộc về mặt pháp lý và rõ ràng là quyết định của một tòa án được luật pháp quốc tế công nhận".
Ngoại trưởng John Kerry một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết PCA và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông hài lòng với Tuyên bố chung của ASEAN (AMM-49) vốn đã nói rõ tất cả các quyền, các quyết định và quy trình pháp lý, mặc dù không đề cập trực tiếp đến phán quyết PCA. Ông nói Tuyên bố chung của AMM-49 rõ ràng ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ngoại trưởng John Kerry lưu ý rằng phán quyết của PCA có tính “ràng buộc ", nhưng Mỹ không muốn “tạo ra một cuộc đối đầu”. Ông nói thêm: "Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một giải pháp có ý nghĩa”.
Ngoại trưởng Kerry nói Mỹ đánh giá cao phản ứng rất có trách nhiệm của chính phủ Philippines trước phán quyết của PCA. Ông nói: "Chúng tôi thấy có một cơ hội thực sự cho các bên tranh chấp làm việc với nhau một cách xây dựng, xử lý các vấn đề một cách hòa bình và cuối cùng giải quyết bất đồng phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến một quá trình sẽ thu hẹp phạm vi địa lý của các tranh chấp biển, thiết lập các tiêu chuẩn về hành vi trong khu vực tranh chấp dẫn đến giải pháp đôi bên cùng có thể chấp nhận được”.
Thông cáo chung AMM-49 là một thắng lợi đối với ASEAN
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay cho biết Thông cáo chung AMM-49 là một thắng lợi đối với ASEAN vì nó bày tỏ quan ngại về các hành động gây mất ổn định ở Biển Đông và kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế và tỉnh táo.
Ông Yasay nói: "Điều này đối với tôi là một thắng lợi của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vì nó làm cho hiệp hội trở nên đáng tin cậy hơn đối với cộng đồng quốc tế và làm cho ASEAN hiệu quả hơn và phù hợp hơn trên cương vị là một nhóm khu vực".
Ông cũng bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chiến thắng sau khi đã ngăn chặn ASEAN đề cập đến phán quyết PCA trong Thông cáo chung của AMM-49 và khẳng định: “Đây là chiến thắng của ASEAN trong việc duy trì những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và các thủ tục-quy trình pháp lý và ngoại giao ".
Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay nhấn mạnh rằng Philippines đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tham chiếu rõ ràng phán quyết của PCA trong Tuyên bố chung của AMM-49. Ông nhấn mạnh đây là một sự khéo léo về ngoại giao và “không ảnh hưởng đến các quyền của Philippines... được Tòa án Trọng tài công nhận”.