Trung-Triều: “Cơm không lành, canh chẳng ngọt“

Google News

Bình Nhưỡng có lẽ không vội vàng thực hiện vụ nổ hạt nhân bởi một yếu tố đặc biệt quan trọng là lập trường vô cùng gay gắt của Trung Quốc.


Trong những ngày gần đây, có một điều đã làm hoang mang các chuyên gia về Triều Tiên. Khoảng 10 ngày trước, Bình Nhưỡng hoàn tất việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ ba. Tuy nhiên, vụ nổ vẫn chưa được thực hiện.

Có giả thiết cho rằng, Bình Nhưỡng quyết định thử nghiệm vào ngày sinh nhật của cố lãnh tụ Kim Jong-il (16/2), một ngày lễ quốc gia trọng đại ở Triều Tiên. Lại cũng có dự đoán nguyên nhân sự trì hoãn là những trục trặc về kỹ thuật. Tuy nhiên, có khả năng hơn cả là Bình Nhưỡng không vội vàng thực hiện vụ nổ bởi một yếu tố đặc biệt quan trọng khác: lập trường vô cùng gay gắt của Trung Quốc.

Suốt nửa thế kỷ, báo chí ở Trung Quốc và Triều Tiên luôn mô tả quan hệ giữa hai bên như một liên minh vô cùng bền vững. Trên thực tế, mối quan hệ này chưa bao giờ đơn giản và êm đềm. Đôi khi lập luận hùng biện về tình đoàn kết keo sơn che đậy cho những tình huống căng thẳng và thậm chí thù địch. Ví dụ, vào cuối những năm sáu mươi thế kỷ trước, thời kỳ Cách mạng văn hóa, tình hình biên giới giữa hai nước đã đạt tới mức xung đột vũ trang.

Ngay cả bây giờ, sự qua lại giữa Trung Quốc và Triều Tiên cũng khá mờ ảo. Một mặt, sự tồn tại của nhà nước Triều Tiên tạo cho Bắc Kinh một vùng đệm địa chiến lược ở biên giới Trung Quốc. Ngoài ra, bất cứ khủng hoảng ở Bắc Triều Tiên sẽ đem lại hậu quả tiêu cực cho Bắc Kinh, là bên không mong muốn đối phó với dòng người tị nạn và các vấn đề mất kiểm soát vũ khí hóa chất hoặc hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bất kể các phát ngôn của giới ngoại giao Trung Quốc, sự thống nhất Triều Tiên luôn trái ngược với lợi ích của Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc có đủ lý do để tiếp tục níu giữ con tàu Triều Tiên đang bồng bềnh trôi nổi.

Mặt khác, Bắc Kinh có thể bất bình với một số khía cạnh chính sách của Bình Nhưỡng, đặc biệt là tham vọng hạt nhân. Có vẻ như trong 6 tháng qua, sự bất bình đã gia tăng. Loạt sự kiện gần đây buộc giới quan sát nghi ngờ rằng quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đang bước vào chu kỳ khủng hoảng.

Dấu hiệu đầu tiên là bê bối xung quanh sự thất bại các dự án đầu tư của một doanh nghiệp Trung Quốc lớn là Tập đoàn Tây dương. Công ty này đã bỏ 50 triệu USD xây dựng mỏ ở Bắc Triều Tiên, nhưng sau đó bị phía Bình Nhưỡng tước đoạt. Những tình huống tương tự từng phát sinh trước đây, nhưng lần này Trung Quốc đã công khai tuyên bố ý kiến bất đồng.

Tháng 8/2012, ông Jang Song-taek, một cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến Trung Quốc. Ông hy vọng nhận thêm viện trợ kinh tế nhưng ông đã phải trở về tay không.

Tháng 1/2013, Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Quyết định của Bắc Kinh làm bất ngờ nhiều nhà quan sát.

Cuối cùng, vào cuối tháng Giêng, Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc viết rằng, trong trường hợp Bắc Triều Tiên thử hạt nhân, Bắc Kinh sẽ giảm viện trợ dành cho Bình Nhưỡng. Khó thể bỏ qua tuyên bố này, bởi đây là tờ báo trong hệ thống nhà xuất bản Nhân dân Nhật báo, có nghĩa trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dĩ nhiên, chính quyền Bắc Triều Tiên chưa bao giờ tỏ ra quá lắng nghe quan điểm của các đồng minh, kể cả Trung Quốc. Nhưng lúc này, chẳng dễ dàng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo không hề mập mờ, khi Bình Nhưỡng đang ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế. Do đó rất có thể, một phần áp lực của Trung Quốc đã đạt được mục tiêu và buộc chính phủ Bắc Triều Tiên hoặc trì hoãn, hoặc hủy bỏ các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề muốn đẩy Bắc Triều Tiên vào ngõ cụt hay kích động một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ CHDCND Triều Tiên và chỉ đôi khi thể hiện sự bất bình đối với một vài động thái ngang ngạnh của Bình Nhưỡng.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:

Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)