Theo Tuần báo phương Nam của thành phố Quảng Châu, từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc đã mở rộng hệ thống đường cao tốc thêm hơn 70 nghìn km. Như vậy, Trung Quốc sở hữu hệ thống đường cao tốc dài nhất thế giới với tổng chiều dài 111.950 km.
Tuy nhiên, báo cáo của chính phủ năm 2014 cho thấy, Trung Quốc "oằn mình" dưới gánh nợ sau khi xây dựng và vận hành những con đường cao tốc tăng 12,1% mỗi năm, với số tiền lên tới 3,85 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 600 tỷ USD).
|
Một tuyến đường cao tốc ở Lhasa, Tây Tạng, Trung Quốc. Ảnh Xinhua.
|
Gánh nặng nợ nần hối thúc Trung Quốc đưa ra một dự luật vào ngày 30/6 thay đổi thời hạn thu phí đường cao tốc.
Đối với những đường cao tốc do các công ty quản lý có giấy phép vận hành, thời gian thu phí tối đa là 30 năm, song có thể tăng thêm tùy thuộc vào các yếu tố như gói đầu tư và thời gian thu hồi phí dự toán, bài báo cho biết.
Hơn ba thập kỷ qua, các cấp chính quyền địa phương Trung Quốc quan niệm rằng, cơ sở hạ tầng đường sá là thước đo của sự phát triển địa phương.
Dữ liệu thống kê của chính phủ cho thấy, các công trình đường cao tốc mọc lên như nấm vào năm 2011, trong đó hơn 70% vốn đầu tư là vay mượn.
Theo Bộ giao thông Trung Quốc, số tiền trả nợ thường lên mức cao nhất vào thời điểm 5 năm sau khi dự án hoàn thành, bởi chính quyền địa phương và công ty vận hành đường cao tốc thường có 5 năm để xây dựng khối lượng giao thông trên những tuyến đường cao tốc này.
Wang Tai – Phó Chủ tịch các cơ quan đường cao tốc quốc gia – cho biết, tổng lãi suất đối với số nợ khổng lồ như vậy năm 2014 là 231 tỷ nhân dân tệ (tương đương 36,1 tỷ USD).
Được biết, mỗi năm, chính quyền tỉnh Sơn Đông bỏ ra hơn 20 tỷ tệ (tương đương 3,13 tỷ USD) để trả các khoản nợ liên quan đến việc xây dựng đường cao tốc. Tỉnh này vẫn đang xây dựng khoảng 2.000 km đường cao tốc mới.
Phí sử dụng đường cao tốc hiện là nguồn thu chính để tỉnh Sơn Đông tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng đường bộ hiện nay. Năm 2013, tỉnh này đã tăng thời gian thu phí sử dụng đường bộ.
Đối mặt với khoản nợ lớn, một số công ty quản lý đường cao tốc đã mạo hiểm đầu cơ vào lĩnh vực không thuộc sở trường của mình nhằm nâng cao lợi nhuận, trong đó có hai lĩnh vực phổ biến là bất động sản và dịch vụ tài chính.