Sẽ là nhầm lẫn tai hại nếu coi chuyến đi gần đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và liền sau đó là cấp phó của ông (bà Victoria Nuland) tới Nga là bước đầu tiên cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga.
|
John Kerry-Sergei Lavrov: Đằng sau cử chỉ ngoại giao là thái độ nghi ngờ lẫn nhau.
|
Sự chú ý đặc biệt hiện đổ dồn về Syria, với khả năng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang. Ý định của ông Kerry muốn Nga “lặng thinh” trong vấn đề Syria để đối lấy việc Mỹ sẽ “giảm áp” ở Ukraine được cho là đã thất bại. Ngay lập tức, người Mỹ đã chuyển sang ngón đòn tống tiền, vốn là lựa chọn chiến lược của Washington ở những nước “cứng đầu”.
Hôm 19/5, quân nổi dậy Syria (được cho là phiến quân Jaysh al-Islam) đã bắn hai quả đạn cối nhằm vào Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus. Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức lên án vụ tấn công. Nhưng mọi người đều hiểu rằng “mặt trận phương nam” đang đánh phá ở các vùng ngoại ô Damascus thì đều nằm dưới sự kiểm soát của Jordan và có sự trợ giúp của Mỹ; trong khi “mặt trận phương bắc” thì lại được Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hậu thuẫn. Vụ pháo kích này mang một thông điệp rõ ràng: Nga cần chấm dứt ủng hộ chính quyền Syria.
Trong quá khứ, Mỹ từng bật đèn xanh cho ý tưởng để Tổ chức các nước vùng Vịnh (GCC) mà đi đầu là Ả-rập Xê-út, hợp tác toàn diện với Nga - nhất là điều phối giá dầu toàn cầu. Đổi lại, Nga sẽ phải giảm ảnh hưởng tại Syria. Các quốc vương trong thế giới Ả-rập lần lượt tới thăm Nga, với rất nhiều hứa hẹn. Nhưng rốt cục họ chỉ muốn cài bẫy Moscow, không có bất kì một điều khoản nào được thực thi trong thực tế, nhất là những lời hứa bỏ tiền tỉ mua vũ khí Nga, những hợp đồng béo bở… Điện Kremlin đã tỉnh táo khi khước từ những đề nghị kiểu như vậy.
Giờ là lúc Mỹ tìm đến một “người chơi” mới là Thổ Nhĩ Kỳ, nước gần đây cảm thấy bị “tổn thương” lớn trước việc Nga chính thức nêu quan điểm xem vụ giết hại người Armenia dưới thời đế chế Ottoman là tội ác diệt chủng. Hôm 24/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tsitsernakeberd dự lễ tưởng niệm những nạn nhân người Armenia bị sát hại hồi năm 1915. Ankara lập tức lên tiếng phản đối và ba ngày sau Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng có hành động “tưởng nhớ” liên quan đến Crimea. Washington đương nhiên không bỏ lỡ cơ hội này để kích động tâm lý chống Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là liên quan đến tình hình người Tatar ở Crimea.
Ankara đã hủy cuộc gặp thường kỳ của Hội đồng Hợp tác Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, hoãn chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Antalya theo dự kiến vào ngày 16/5 với lý do thời điểm không thích hợp (sát thềm cuộc bầu cử Quốc hội), lùi lại sau khi có chính phủ mới lên nắm quyền. Đó chỉ là cách nói về ngoại giao, còn thực chất những diễn biến mới này đều có tác động tiêu cực đến tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” – một dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga, nhưng Mỹ thì chẳng hào hứng chút nào.
Một mặt trận khác trong chiến dịch chống Nga cũng được Mỹ khuấy động ở Macedonia. Washington rất tích cực thúc đẩy kịch bản thay đổi thể chế tại quốc gia đông nam Châu Âu này để chống lại ảnh hưởng của Nga. Đáng chú ý, chính “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” cũng là một yếu tố liên quan, khi mà tuyến đường ống này sẽ phải đi qua Macedonia từ Hy Lạp trước khi vươn tới các thị trường khác ở Trung, Nam Âu. Ông Lavrov đã công khai nói rằng, diễn biến gần đây ở Macedonia (các cuộc biểu tình của phe đối lập) xuất phát từ việc các chính quyền bên ngoài bực tức khi Macedonia không tham gia chiến dịch cấm vận chống Nga, cùng với đó là sự ủng hộ của chính quyền Skopje đối với “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Vậy nên, những chuyển động mới nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ (với Nga) chỉ là một màn kịch nhằm che giấu những ý định thực chất của chính quyền Obama. Mục tiêu chiến lược lược của Washington vẫn không thay đổi: Đó là làm suy yếu nước Nga bằng mọi công cụ và cản phá các nước hợp tác với Moscow.