Theo hãng tin AP, tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục nhiều hoạt động khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa.
Vài ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Lahaye ra phán quyết về “vụ kiện Biển Đông”, tập đoàn viễn thông China Telecommunications Corp – một trong công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này – quyết định triển khai dịch vụ internet 4G tại 7 “đảo nhân tạo” Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Một tập đoàn viễn thông lớn khác của Trung Quốc cũng chuẩn bị một kế hoạch tương tự.
Trung Quốc cũng đang xây dựng bốn bến cảng tại khu vực này, để chuẩn bị đón đến 2 triệu khách du lịch một năm.
|
Tàu chiến Trung Quốc bắn đạn thật trong một cuộc tập trận hải quân chung với Nga. Ảnh SCMP |
Hôm 28/7, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận với Nga tại Biển Đông trong tháng 9/2016. Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai nước ở khu vực này. Đây cũng là cuộc tập trận hải quân Trung-Nga đầu tiên được lên kế hoạch sau phán quyết của PCA.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ có những phản ứng táo tợn hơn nhiều sau hội nghị G20 tổ chức từ ngày 4 đến ngày 5/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Heritage Foundation (Mỹ) đề xuất biện pháp đối phó với các tham vọng của Trung Quốc, trong một phân tích được đưa ra một tuần sau khi Tòa Trọng tài Thường trực án ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Theo ông Dean Cheng, thay vì đặt trọng tâm vào ASEAN, Mỹ cần hỗ trợ nhóm các nước có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông (Philippines, Việt Nam, Maylaysia và Brunei), “ xây dựng một lập trường chung”. Điều này có thể tạo thêm một áp lực “chính trị và ngoại giao” buộc ban lãnh đạo ở Bắc Kinh phải xét lại lập trường.