Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản vừa bắt đầu cuộc tập trận mang tên Malabar và sẽ kéo dài một tuần.. Các chuyên gia cho rằng, cuộc diễn tập này có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc.
Thời điểm và địa điểm tổ chức cuộc diễn tập hải quân không thể không gây ra sự lo lắng của ban lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh tiếp tục phân tích hậu quả có thể có do quyết định gần đây của Tokyo xóa bỏ những chế ước về “Quyền tự vệ tập thể”. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, lý do chính của bước đi này là các mâu thuẫn đang gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Theo quan điểm của Bắc Kinh, bất kỳ hoạt động quân sự với sự tham gia của Nhật Bản ở vùng Thái Bình Dương đều nhằm chống lại Trung Quốc, đặc biệt nếu nói về việc tăng cường các liên minh cũ hoặc thành lập những liên minh quân sự mới trong khu vực.
|
INS Shakti của Hải quân Ấn Độ và USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận Malabar năm 2011. |
Việc Nhật Bản bắt đầu tham gia cuộc tập trận thường niên Ấn Độ-Mỹ Malabar cho thấy rõ rằng, Trung Quốc gặp những khó khăn trong hệ thống an ninh châu Á. Các bên đã chọn lựa Biển Nhật Bản để tổ chức cuộc diễn tập, và Bắc Kinh có thể coi điều đó như sự xác nhận chiến lược "trở lại châu Á" của Mỹ, khi Washington huy động mọi lực lượng có thể để kiềm chế Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hầu như "bị đóng băng". Sau khi chính phủ Narendra Modi lên nắm chính quyền, quan hệ Trung-Ấn có xu thế ấm lên, mặc dù trong quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn có sự ngờ vực mang tính chiến lược. Vì thế, dù mục tiêu chính thức của cuộc tập trận "Malabar" là đấu tranh chống bọn cướp biển và chống khủng bố, nhưng, Bắc Kinh vẫn lo ngại về định hướng chính của hoạt động này, đặc biệt vì có sự tham gia của Ấn Độ.
Trả lời phỏng vấn tờ Tiếng nói nước Nga, Giáo sư Dmitry Evstafev của ĐH Kinh tế cao cấp nói: “Cuộc tập trận chung của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là một yếu tố quan trọng trong chính sách của Mỹ ở khu vực này. Một mặt, hoạt động này cho thấy rằng, Mỹ thực hiện các cam kết quân sự và chính trị với Nhật Bản, quốc gia chịu áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc. Mặt khác, cuộc tập trận cho thấy rằng, Washington có khả năng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, dù ở những khu vực khác trên thế giới Mỹ đang gặp vấn đề. Và điều quan trọng nhất - với sự giúp đỡ của cuộc tập trận này Washington cố gắng lôi cuốn Ấn Độ vào cuộc xung đột. Trước đây Ấn Độ đã cố gắng tránh xa các tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông và Hoa Đông, vì nước này không có liên quan đến khu vực đó”.
Chuyên viên Nga cho rằng, Trung Quốc có thể phản ứng rất mạnh mẽ với cuộc tập trận này. Bắc Kinh có chương trình biến Trung Quốc thành một cường quốc đại dương mạnh mẽ, vì thế có thể dự đoán rằng, Bắc Kinh không thể chấp nhận tình hình khi Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng hải quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hôm nay, sức mạnh hạm đội của Ấn Độ sánh được với Trung Quốc, và theo một số ước tính, Hải quân Ấn Độ thậm chí vượt trước Trung Quốc. Nếu sau cuộc tập trận "Malabar" Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản sẽ thiết lập sự hợp tác chiến lược dài hạn, thì điều đó có thể tác động tiêu cực đến vị trí của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh chỉ có một lối thoát để ra khỏi cái bẫy địa chính trị do Mỹ tổ chức – sớm thiết lập quan hệ dễ dự đoán hơn với Ấn Độ. Chắc là, những bước đi đầu tiên theo hướng này đã được thực hiện tại cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS.