Một vài ngày trước đó, Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn, khi cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra. Sự khiêu khích đó đã bị cho qua.
|
Triều Tiên có lẽ đã phóng tên lửa Hwasong-12 qua không phận Nhật Bản, loại tên lửa mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un dùng để tấn công Guam. Ảnh: KCNA |
Theo nhà báo Philip Williams (Australia), lần này thì khác. Tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên được phóng trong ngày 29/8 có lẽ là một trong những tên lửa Hwasong-12 mới mà Bình Nhưỡng đã đe dọa bắn tới Guam.
Vụ phóng tên lửa này đã làm rung chuyển Nhật Bản và là bằng chứng cho thấy Triều Tiên coi thường sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chỉ có điều, vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản lần này có thể khiến cho Mỹ kết kiên nhẫn. Hiện chưa rõ những gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng rõ ràng vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung lần này của Triều Tiên là một hành động khiêu khích, dọa Nhật Bản và sẵn sàng đối đầu với Mỹ. Và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nói với dân chúng Triều Tiên về một chương khác trong cuộc chiến đang diễn ra chống lại đại diện cái ác là đế quốc Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, người Mỹ có khả năng đè bẹp quân đội Triều Tiên. Nhưng cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Steve Bannon lại cho biết không có lựa chọn quân sự. Đó là vì hậu quả của Chiến tranh Triều Tiên lần 2 sẽ rất khủng khiếp đối với cả hai phía của vĩ tuyến 38. Việc hàng triệu bị thương vong và các thành phố lớn như Seoul, Bình Nhưỡng bị san thành bình địa là không thể biện minh.
Vậy làm thế nào để kết thúc cuộc khủng hoảng Triều Tiên? Liệu Mỹ có học cách chung sống với một CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)?
Các vị tổng thống Mỹ kế nhiệm nhau trong thời gian gần đây đã hứa không để Chiến tranh Triều Tiên 2.0 xảy ra. Nhưng hiện thời, nguy cơ xảy ra chiến tranh đã trở nên nhãn tiền. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đánh cược bằng chế độ của mình, với hy vọng vũ khí mới của ông sẽ tăng cường khả năng tự vệ, chứ không phải dẫn đến thảm họa.
Nhưng mỗi vụ phóng tên lửa đe dọa có nguy cơ sẽ là “giọt nước làm tràn ly”. Một vị Tổng thống Mỹ bốc đồng như Donald Trump có thể sẽ mất kiên nhẫn.