Ả-rập Xê-út "thất bại chiến lược" trong cuộc chiến Yemen

Google News

(Kiến Thức) - Theo giới phân tích, cuộc can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út vào cuộc chiến Yemen là một "thất bại chiến lược", nhưng Riyadh lại không thể đơn phương rút quân.

Tuần trước, hàng loạt email tiết lộ cho thấy Thái tử kế vị, Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS) mong muốn rút khỏi cuộc chiến Yemen, trong các cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ. Theo các email bị tiết lộ, Mohammed bin Salman nói rằng ông muốn ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài hai năm ở Yemen và không phản đối việc Mỹ thương lượng với Iran để chấm dứt xung đột.
A-rap Xe-ut "that bai chien luoc" trong cuoc chien Yemen
Thái tử kế vị, Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS) muốn rút khỏi cuộc chiến Yemen Ảnh: amcnews.tv 
Adam Baron, một nhà phân tích Yemen, nói rằng Ả-rập Xê-út khó có thể đơn phương rút quân vì an ninh của vương quốc này phần lớn phụ thuộc vào an ninh của Yemen.
Nhà phân tích Adam Baron: "Đúng , người Ả-rập Xê-út muốn ra khỏi cuộc chiến (Yemen) - nhưng dựa trên các điều kiện của riêng họ. Điều kiện cần thiết là đảm bảo duy trì các lợi ích của Ả-rập Xê-út ở Yemen; phiến quân (Houthi) phải giao nộp vũ khí hạng nặng; chấm dứt các cuộc tấn công xuyên biên giới và Iran không có bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào ở nước này. Đó chính là vì lợi ích của Vương quốc Ả-rập Xê-út, khi ngăn chặn Yemen tiếp tục lún sâu vào vực thẳm hỗn loạn”.
Cho đến nay, cuộc xung đột Yemen đã khiến cho hơn 10.000 người thiệt mạng và gây thương tích hơn 40.000 người khác.
Yemen là quốc gia nghèo nhất trong thế giới Arập, vốn dựa vào viện trợ của Mỹ và các nước láng giềng để tồn tại. Lạm phát ngày càng trở nên tồi tệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trước cuộc nổi dậy năm 2011.
Tiền thu được từ nguồn dự trữ dầu đang cạn kiệt thì bị lãng phí hoặc bị đánh cắp trong 33 năm cai trị của Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Báo cáo năm 2015 của LHQ ước tính tài sản tích lũy của Tổng thống Saleh lên đến 60 tỷ USD – chủ yếu có được từ tham nhũng, tống tiền…
Sau khi Tổng thống Saleh bị lật đổ, nội chiến đẫm máu đã nổ ra giữa quân nổi dậy Houthi và phe ủng hộ chính phủ Yemen được quốc tế công nhận. Tháng 9/2014, các tay súng Houthi chiếm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và tiến về Aden, thành phố lớn nhất Yemen. Để ngăn cản đà tiến của quân nổi dậy Houthi, một liên minh các quốc gia Arập do Ả-rập Xê-út cầm đầu đã phát động chiến dịch quân sự vào tháng 3 năm 2015 để đánh đuổi quân nổi dậy Houthi khỏi thủ đô Sanaa.
Cuộc chiến đã khiến cho nhiều khu vực ở Yemen cần được hỗ trợ nhân đạo và cho phép al-Qaeda phát triển trong bối cảnh thiếu an ninh.
Hơn 27 triệu người Yemen đang ở trên bờ vực của nạn đói và đối mặt với đại dịch tả "chưa từng có". Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng Yemen đang hướng tới "sụp đổ hoàn toàn".
A-rap Xe-ut "that bai chien luoc" trong cuoc chien Yemen-Hinh-2
Hơn 7 triệu người dân Yemen đang ở trong tình trạng thiếu đói, suy dinh dưỡng nghiêm trọng do các cuộc phong tỏa và bị chiến tranh bần cùng hóa. Ảnh: Reuters 
Hiện nay, hơn 7 triệu người dân Yemen đang ở trong tình trạng thiếu đói do các cuộc phong tỏa và bị chiến tranh bần cùng hóa. Khoảng 80% dân số Yemen phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Theo LHQ, cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới đang xảy ra ở Yemen.
Nhà nghiên cứu chính trị vùng Vịnh Luciano Zaccara tại Đại học Qatar cho biết cuộc can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út đã góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Yemen, làm tổn hại hình ảnh của Thái tử kế vị Mohammed bin Salman ở trong nước và khu vực.
Nhà phân tích Zaccara nói với Al Jazeera: "Những lời chỉ trích ngày càng tăng trên toàn thế giới chống lại các cuộc tấn công liên minh Arập – vốn bị coi là nguyên nhân dẫn đến dịch tả, giết hại hàng ngàn thường dân, phong tỏa sân bay Sanaa và cảng Hudaida ngăn cản nguồn cung nhân đạo đến các khu vực do quân nổi dậy Houthi kiểm soát - đang làm cho cuộc chiến này rất không được ưa chuộng ". Theo nhà phân tích Zaccara, Ả-rập Xê-út muốn được đảm bảo rằng một giải pháp chính trị phải bảo vệ hình ảnh của nước này trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Yaseen al-Tamimi có trụ sở tại Sanaa lại không thiên về khả năng Ả-rập Xê-út đơn phương rút quân, khi nói rằng đây là một động thái nguy hiểm đối Riyadh.
Nhà phân tích al-Tamimi nói với Al Jazeera: "(Việc Ả-rập Xê-út) rút quân có nghĩa là thất bại. Nó cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của các mục tiêu mà liên minh Arập đã đạt được ở Yemen. Sự rút quân của liên minh Arập sẽ không giúp Ả-rập Xê-út có được đường biên giới an toàn với Yemen. Không có giải pháp nào có thể lấp đầy khoảng trống ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Chính phủ hợp pháp của Yemen không có đủ nguồn lực để tiếp tục chiến tranh hoặc giành chiến thắng".
Minh Châu (Theo Al Jazeera)

>> xem thêm

Bình luận(0)