|
Lập trường và hành động của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua đang làm các nước láng giềng xung quanh lo ngại. |
Trung Quốc còn kêu gọi 3 nước trên kiềm chế, không làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng trong khu vực.
"Mỹ, Nhật Bản và Australia là đồng minh với nhau nhưng điều đó không nên trở thành cái cớ để can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ, nếu không nó sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn và làm phương hại đến lợi ích của tất cả các bên”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying hôm qua đã nhấn mạnh như vậy.
Trong những phát biểu được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hua còn nói: "Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan hãy tôn trọng sự thực, phân biệt giữa những điều đúng đắn với những điều sai trái, hãy thận trọng và ngừng ngay tất cả các hành động cũng như lời nói không có lợi cho việc giải quyết vấn đề một cách thích hợp và gây phương hại đến sự ổn định trong khu vực".
Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc có tên là Qin Gang đã lên tiếng chỉ trích trực tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida về việc ông này nêu ra mối quan ngại về an ninh hàng hải tại cuộc họp ăn sáng không chính thức với những người đồng cấp khác đến tham dự Hội nghị APEC. Ông Qin cho rằng, việc thảo luận về các vấn đề an ninh chính trị và những chủ đề nhạy cảm khác tại hội nghị APEC là hành động không thích hợp.
Phát ngôn viên Qin còn khẳng định: "Không có bất kỳ vấn đề gì xảy ra đối với tự do và an ninh hàng hải trong khu vực trong suốt thời gian dài qua. Việc thổi phòng lên cái gọi là vấn đề an ninh hàng hải đi ngược lại với nỗ lực thực sự nhằm bảo vệ an ninh và tự do hàng hải”.
Những phát biểu gay gắt và mang đầy tính cảnh báo trên của Trung Quốc được đưa ra sau khi có tin, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã phát đi một thông điệp cảnh báo sắc lạnh nhằm vào Trung Quốc dù cái tên Trung Quốc không hề được nhắc đến trực tiếp.
Cụ thể, hôm 4/10, 3 cường quốc gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đưa ra một tuyên bố chung trong đó thể hiện sự phản đối đối với “những hành động dọa dẫm, ép buộc đơn phương” trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp 3 bên giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Cả 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Australia đều thể hiện sự “phản đối đối với bất kỳ hành động dọa dẫm, ép buộc đơn phương nào nhằm làm thay đổi sự nguyên trạng ở biển Hoa Đông”. Các nước trên cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của nỗ lực giảm thiểu căng thẳng và tránh những tính toán sai lầm cũng như các sự việc không mong muốn”.
Tuyên bố ba bên cũng “tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định, tôn trọng luật pháp, thương mại tự do và tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Mặc dù tuyên bố chung mà 3 nước này đưa ra không hề đả động đến cái tên Trung Quốc nhưng nó lại nhấn mạnh đến hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh đang có những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với hàng loạt các nước láng giềng xung quanh. Vì thế, giới phân tích tin rằng, tuyên bố chung nói trên rõ ràng là nhằm trực tiếp vào Trung Quốc.
Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp nhau quyết liệt quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quần đảo này đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây.
Ngoài tranh chấp ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn liên quan đến những cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông thông qua yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Trong các cuộc tranh chấp nói trên, Trung Quốc đang duy trì một lập trường cứng rắn, quyết liệt và có phần hiếu chiến với mục tiêu nhằm thay đổi sự nguyên trạng, quyết tranh giành chủ quyền với các nước có tranh chấp với họ. Đáp lại, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng không kém phần quyết liệt và cứng rắn, đặc biệt là Philippines và Nhật Bản. Hai nước này quyết không lùi bước trong các cuộc tranh chấp với nước láng giềng lớn hơn. Ngoài việc tăng cường mua sắm trang thiết bị, vũ khí nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội, cả Philippines và Nhật Bản đều nỗ lực tìm kiếm đồng minh. Tất cả những diễn biến đó đã liên tiếp gây ra một loạt sóng gió trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua, làm dấy lên những quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột vũ trang trong khu vực.
Mỹ và Australia không có liên quan trực tiếp đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông hay biển Hoa Đông nhưng hai nước này được cho là có chung nỗi quan ngại về sự nổi lên của Trung Quốc.