ASEAN “xới” lại vấn đề tranh chấp Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Brunei gần đây đã tập trung vào giải quyết  vấn đề tranh chấp Biển Đông, với nhiều tranh luận sôi nổi.

 Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Brunei.

Các tranh luận tại hội nghị không chỉ dừng lại ở nguyên tắc hoạt động  của ASEAN, trong đó có sự đồng thuận giữa 10 quốc gia thành viên, mà còn tập trung vào căng thẳng leo thang Trung Quốc-Mỹ, hai cường quốc  chính đang cạnh tranh gay gắt để chiếm “thế thượng phong” trên bàn cờ chiến lược Đông Nam Á.

Câu hỏi được quan tâm chính là liệu ASEAN có thể “đồng tâm hiệp lực” thực hiện mục tiêu duy trì thế cân bằng thống nhất chiến lược để đối phó với các cường quốc lớn hơn trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.   

Sự lãnh đạo thực dụng được xem là chất keo kết dính các quốc gia thành viên của ASEAN lại với nhau và dẫn dắt ASEAN vượt qua các vấn đề chiến lược hóc búa trong quá khứ.

Trước đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN năm ngoái được tổ chức tại Phnom Penh lần đầu tiên trong lịch sử thất bại trong việc đưa ra một tuyên bố chung - bộc lộ những mâu thuẫn cố hữu đang ngày càng trở nên phức tạp khi các quốc gia thành viên không thống nhất quan điểm với nhau.
 
Thời điểm đó, Campuchia đã phản đối việc đưa các vấn đề tranh chấp Biển Đông vào Tuyên bố chung và do đó, bị cáo buộc là chịu áp lực từ bên ngoài mà cụ thể là Trung Quốc.

Cũng chính vì yếu tố trên, Philippines đã quyết định nhờ một tòa án của Liên Hợp Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc thay vì trông chờ ASEAN đạt được sự đồng thuận về một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc Manila “nhờ cậy” tòa án quốc tế bảo vệ các tuyên bố chủ quyền được cho là hành động làm suy yếu vị thế và vai trò của ASEAN, với tư cách là một khối thống nhất.

Quốc vương Brunei, Haji Hassanal Bolkiah, sau Hội nghị Cấp cao cho biết, các nước thành viên ASEAN đạt được cách tiếp cận bao gồm "2 bước" rõ ràng để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Quốc vương Bolkiah cho biết: “Thứ nhất, các tuyên bố, yêu sách chồng chéo phải do các quốc gia liên quan đến tranh chấp giải quyết. Thứ hai, cả ASEAN lẫn Trung Quốc phải nỗ lực tạo ra bầu không khí bình tĩnh, hòa bình và khẩn trương xây dựng các quy tắc ứng xử trên Biển Đông”.

Mặc dù Brunei năm nay giữ chức Chủ tịch ASEAN, nhưng  Indonesia lại được xem là “chìa khóa vạn năng” với vai trò then chốt.

Trong các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng của ASEAN gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Marty Natalegawa, tuyên bố nước ông sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy thỏa thuận về các quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông.

Dù xuất hiện một số tín hiệu tích cực, nhưng đề xuất mở đường dây nóng để tránh xung đột tại các vùng lãnh thổ tranh chấp vượt tầm kiểm soát của Indonesia không giành được sự nhất trí.

Malaysia và Singapore cũng được cho là 2 nước lớn khác có ảnh hưởng đáng kể đối với ASEAN trong những năm qua. Dù có diện tích khiêm tốn, nhưng với vị trí chiến lược, Singapore nắm trong tay đòn bẩy để đối phó với các nước lớn trên thế giới. Vai trò của đảo quốc này trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại ASEAN được đánh giá cao.

Tuy nhiên, quan hệ chiến lược giữa Singapore và Mỹ nói riêng cũng làm tăng các quan ngại từ các láng giềng của nước này liên quan việc các vấn đề khu vực đang bị các cường quốc bên ngoài nhúng tay chi phối.

Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Singapore đi đầu trong hợp tác chiến lược. Ba nước thành viên ASEAN này đã thỏa thuận hợp tác hải quân ba bên được gọi là  MALSINDO để tuần tra và xử lý các vụ xâm nhập trái phép tại eo biển quan trọng chiến lược Malacca.

Tại Biển Đông, do chưa có bất cứ đề xuất nào tuần tra chung tương tự nào, nên một số quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong khu vực như Philippines rõ ràng kỳ vọng ASEAN đóng vai trò quyết định hơn trong việc giải quyết các tranh chấp.

Tuy nhiên, sự đồng thuận trong nội bộ ASEAN có vẻ ngày càng khó đạt được, đặc biệt khi Trung Quốc thực hiện sách lược “chia để trị” giữa các nước Đông Nam Á.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Brunei, Chủ tịch hiện tại của ASEAN, có vị thế riêng không ai có được trong việc thúc đẩy sự đồng thuận của nhóm về vấn đề Biển Đông. Một số nhà phân tích nhấn mạnh, quốc gia giàu dầu mỏ với các yêu sách không đáng kể ở Biển Đông có động cơ ngoại giao mạnh mẽ để tái khẳng định vị thế của ASEAN - là một khối chiến lược thống nhất dù kim ngạch thương mại giữa nước này và Trung Quốc tương đối lớn, ước tính đạt khoảng 1,3 tỷ USD năm ngoái.

Trước tiển vọng Myanmar (một đồng minh khác của Trung Quốc) sẽ giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2014, Philippines có thể cảm thấy rằng nếu Brunei không thể thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), ASEAN có thể thất bại trong việc đóng vai trò đáng kể ít nhất năm cho tới 2015. Từ đó, nước này sẽ cân nhắc lôi kéo các “đối tác” bên ngoài như Mỹ để củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ.

Tuy nhiên, hiện nay, Philippines dù kiên quyết nộp đơn kiện Trung Quốc về Biển Đông tại Tòa án Quốc tế vẫn tái khẳng định cam kết ủng hộ mọi nỗ lực của ASEAN để đạt được sự đồng thuận về các biện pháp hóa giải tranh chấp. Tại Hội nghị Cấp cao ở Brunei, Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, nhấn mạnh rằng có sự nhất trí về việc thuyết phục Trung Quốc hướng tới xây dựng COC.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh luôn kiên quyết theo đuổi quan điểm ưu tiên giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương. Bắc Kinh dự kiến tổ chức hội nghị cấp cao với các Ngoại trưởng ASEAN vào cuối năm nay. Đáp lại, Thái Lan (điều phối viên của ASEAN về quan hệ với Trung Quốc) đề xuất rằng các ngoại trưởng ASEAN nên thảo luận trước với nhau nhằm củng cố và tăng cường sự đoàn kết về vấn đề Biển Đông trước khi hội đàm với Trung Quốc.

Các thành viên ASEAN cũng nhận ra rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc và ảnh hưởng của hệ thống mở trong các vấn đề thế giới, họ không thể ngăn chặn các toan tính của nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu không có cách xử lý đúng đắn, tranh chấp leo thang ở Biển Đông có thể đe dọa phá vỡ hòa bình và ổn định đã được thúc đẩy nhờ tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy trong khu vực thời gian gần đây trong đó phần lớn xuất phát từ tăng trưởng thương mại với Trung Quốc.

Trong trò chơi địa chính trị phức tạp, các quốc gia ASEAN phải cùng nhau nỗ lực đẩy mạnh tình đoàn kết, nhất trí. Sự đồng thuận của ASEAN về Biển Đông sẽ tạo ra đối trọng chiến lược mạnh mẽ đối với Trung Quốc và giảm thiểu tối đa các rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài như Mỹ để tạo thế cân bằng chiến lược.

Chí có điều, Brunei chưa chắc có đủ thẩm quyền và ảnh hưởng để đoàn kết ASEAN và thúc đẩy sự ổn định cũng như hòa bình ở Biển Đông, khi Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bá chủ khu vực.

TIN LIÊN QUAN


ĐANG ĐỌC NHIỀU




Bạch Dương (Theo Asia Times)

Bình luận(0)