Ở New York vừa kết thúc phiên họp của các nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phiên họp này tạo cơ hội để suy nghĩ về số phận của một tài liệu khác nhằm điều chỉnh các mối quan hệ ở một trong những khu vực quan trọng nhất của đại dương thế giới. Đó là Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ý tưởng thảo ra quy tắc này đã xuất hiện vào năm 1992. Nhưng, các nước thành viên ASEAN đã không có lập trường chung trong đàm phán với Trung Quốc. Vì thế, mãi đến năm năm 2002, mới thông qua Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) mang tính chất khuyến nghị chứ không phải đạo luật có giá trị ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, ASEAN vẫn cố gắng thông qua quy tắc ứng xử ở vùng biển này. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất tại các Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN.
Các cuộc tranh luận xung quanh Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã tăng cường sau năm 2010, khi Mỹ công bố chiến lược "trở lại châu Á" và có ý định tích cực can thiệp vào những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Tháng 7 năm 2011, tại cuộc gặp ở Bali giữa các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và các nước ASEAN, các bên đã phê duyệt các nguyên tắc cơ bản của Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tại các cuộc họp của nhóm làm việc ASEAN-Trung Quốc nhằm thực hiện Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông cũng thường xuyên nói về sự cần thiết phải ký kết một bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc.
Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia Evgeny Kanaev của Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện IMEMO, các cuộc tranh luận về nội dung này chỉ là những tuyên bố chính trị. Ông Kanaev nói: “Việc thảo ra bộ luật có giá trị ràng buộc (COC) bao gồm cơ chế giải quyết các cuộc xung đột không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Theo quan điểm của Bắc Kinh, nên đưa vào thực tiễn các điều khoản của Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông. Điều 4 của DOC nêu rõ rằng, tất cả những mâu thuẫn phải được giải quyết giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp tham gia cuộc xung đột. Điều này có nghĩa là việc quốc tế hóa vấn đề là không thể chấp nhận được và Mỹ (quốc gia không có tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông) không thể ảnh hưởng đến tình hình ở khu vực này. Vì vậy, theo tôi, diễn biến sự kiện sẽ phát triển theo kịch bản: Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để kéo dài quá trình thảo luận COC”.
Một trở ngại mới trên con đường thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có thể là việc Philippines kiện Trung Quốc ra trước Tòa án trọng tài UNCLOS, đã được gửi vào cuối năm ngoái. Philippines đã đi theo con đường quốc tế hóa vấn đề. Bắc Kinh đã nói rõ, do hành động này, ý tưởng thảo ra COC có thể “mất thiêng” trong nhiều năm tới.
Chuyên gia Dmitry Mosyakov, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông, cũng thấy bi quan về việc ký kết Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ông nói: “Các cuộc thảo luận về COC chỉ là công tác tuyên truyền để hiển thị hoạt động ngoại giao và mối quan tâm đến an ninh ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Còn trên thực tế thì tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đang biến thành sự kiểm soát thực tế ở các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là của mình. Các tàu tuần tra Trung Quốc tấn công các tàu thuyền đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc gửi quân vào khu vực bãi ngầm Scarborough tranh chấp với Philippines để ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines. Trung Quốc đang xây dựng những thị trấn mới trên các đảo tranh chấp và thu hút công ty nước ngoài thăm dò trữ lượng dầu khí ở vùng biển tranh chấp”.
Theo các chuyên gian Nga, các sự kiện đó phù hợp với logic mới của Trung Quốc - logic mở rộng lãnh thổ. Theo quan điểm của ban lãnh đạo Trung Quốc, sự thống trị ở Biển Đông có nghĩa là không chỉ làm chủ các nguồn tài nguyên phong phú: dầu khí, cá và hải sản. Điều này cũng thể hiện sức mạnh mới, tính năng mới và vị trí mới của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Nếu các bên làm theo logic hòa bình, an ninh và hợp tác ở Biển Đông và nếu các bên dựa vào sự tin cậy lẫn nhau, thì từ lâu các bên đã có thể xây dựng nền tảng chung và thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhưng, theo chuyên gia Nga, điều này đã không xảy ra và sẽ không xảy ra trong tương lai gần.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: