Tổng thống Putin phân tích các vấn đề thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 19, Tổng thống Putin phân tích các vấn đề thế giới cấp bách và quan trọng.

Tong thong Putin phan tich cac van de the gioi
Tổng thống Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 19.
Trước 7.000 quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đến từ nhiều nước trên thế giới tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg lần thứ 19, Tổng thống Putin đã phân tích các vấn đề thế giới cấp bách mà cả Nga lẫn phần còn lại của thế giới đều rất quan tâm.
Chỉ trích Mỹ phát động Chiến tranh lạnh mới  
Tổng thống Putin lên án Washington áp đặt các tiêu chuẩn Mỹ mà không cần xem xét lợi ích của Nga.  Ông tố cáo rằng bằng cách tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ, Mỹ đã can thiệp vào vấn đề  nội bộ của Nga và tìm cách ép buộc Moscow phải chấp nhận quyết định của Washington về các vấn đề toàn cầu.
Ông Putin nhấn mạnh rằng cái gọi là "Chiến tranh lạnh mới" không phải là do xung đột địa phương, như  cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine,  mà là do các quyết định của Mỹ, trong đó có quyết định rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa.  Điều này  sẽ dẫn đến vòng xoáy chạy đua vũ trang mới. Theo ông, Mỹ và Nga  cần phải hiểu lợi ích chiến lược  của nhau và giảm bớt bất đồng thông qua đối thoại theo nguyên tắc “không xung đột và không đối đầu”.  
Về vấn đề này, Tổng thống Putin khuyến cáo Mỹ chớ có "sử dụng ngôn ngữ của tối hậu thư" khi nói chuyện với Nga, trong khi bày tỏ sẵn sàng  khôi phục  quan hệ song phương và tăng cường hợp tác trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu như khủng bố, ma túy thương mại và sự gia tăng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Vai trò của Châu Á-Thái Bình Dương trong nền kinh tế thế giới
Lưu ý rằng bức tranh kinh tế toàn cầu đang thay đổi, Tổng thống Putin cho biết khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính trong thập kỷ tới.
Đi theo xu hướng "không thể tránh khỏi" này, Liên bang Nga đã đẩy mạnh hợp tác khu vực kể từ năm ngoái.  Đây chính là sự lựa chọn quan trọng để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt mà  phương Tây áp đặt và cải thiện cơ cấu kinh tế Nga.
Tổng thống Putin đề cao sự hợp tác Nga-Trung Quốc và cho biết hai bên đang thảo luận việc tích hợp các khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu với Sáng kiến Hành lang kinh tế Con dường tơ lụa của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục thương mại và tăng cường hợp tác thông qua các công cụ  tài chính.
Tin tưởng vào nền kinh tế Nga
Tổng thống Putin thẳng thắn thừa nhận rằng trong quý đầu tiên của năm 2015, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga bị giảm 2,2% so với mùa thu năm ngoái  và thâm hụt dự kiến sẽ đạt 3,7%  GDP cho cả năm 2015.
Tuy nhiên, ông Putin vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Nga. Ông cho biết Nga đã vượt qua thành công các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn. Theo ông, nền kinh tế Nga có đủ nguồn lực dự trữ đủ để mang lại sự "vững chắc nội tại”. Tổng thống Putin nói rằng kinh tế Nga đã triệt tiêu được những dao động ngắn hạn, có kế hoạch nhập khẩu thay thế, duy trì ngân sách ổn định và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp tăng vọt.
Mong muốn gây dựng lòng tin dựa trên đối thoại với Kiev
Tổng thống Putin tái khẳng định rằng không nên đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine và  nói rằng chính sự hỗ trợ của phương Tây  đối với "cuộc đảo chính vi hiến" đã dẫn đến một cuộc xung đột nghiêm trọng và "nội chiến" ở Ukraine. Ông  kêu gọi tất cả các bên có liên quan tuân thủ hoàn toàn Thỏa thuận Minsk II  và kêu gọi đối thoại trực tiếp giữa Kiev với Donetsk và Lugansk.  
Ông  Putin cho rằng Nga cần gây ảnh hưởng đối với các bên xung đột và kêu gọi phương Tây cũng làm như vậy.  Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Ukraine được giải quyết thông qua đàm phán, chứ không phải bằng bạo lực, và dự kiến sẽ tổ chức đối thoại toàn diện với Kiev trên cơ sở bình đẳng và lòng tin.
Tổng thống Putin nói Nga và Ukraine có lịch sử, văn hóa chung và có cùng nguồn cội tâm linh...  vì vậy nên có một tương lai chung.
Minh Châu (Theo Tân Hoa Xã)

Bình luận(0)