Nhìn bề ngoài, Tổng thống Mỹ quyền lực nhất thế giới có thể đưa ra vô số quyết định bằng sắc lệnh. Thế nhưng, trong cuộc chiến chống IS, Tổng thống Obama chỉ có một trong hai sự lựa chọn: hoặc làm những gì mà ông đã làm hoặc phát động một cuộc xâm lược quy mô lớn ở Iraq.
|
Trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, Tổng thống Obama chỉ có một trong hai sự lựa chọn: hoặc làm những gì mà ông đã làm hoặc phát động một cuộc xâm lược quy mô lớn ở Iraq. |
Đây cũng là chuyện bình thường về lựa chọn chiến lược. Nếu chiến lược hiện hành không có hiệu quả, người ta buộc phải thay đổi và áp dụng chiến lược khác hữu hiệu hơn.
Toàn bộ Học thuyết Obama “đang đi thăng bằng trên dây” và bị thách thức nghiêm trọng. Tổng thống Obama từng tuyên bố rằng mục tiêu của Mỹ không phải là trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài mà là huấn luyện nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng bản địa.
Trong trường hợp Iraq, ông Obama cho rằng quân đội Iraq - được Mỹ huấn luyện và yểm trợ bằng các cuộc không kích - có thể đánh bại hoàn toàn Nhà nước Hồi giáo.
Chiến lược này đã bị nghi ngờ sau khi thành phố Mosul bị phiến quân IS đánh chiếm cùng với hàng nghìn xe quân dụng hiện đại mà Mỹ đã cung cấp cho quân đội Iraq.
Về thất bại to lớn này, chính quyền Obama trả lời rằng đây không phải là sai lầm của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ mà là do tình trạng chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính quyền ở Baghdad.
Lựa chọn khắc nghiệt
Về thảm bại Ramadi mới đây của quân chính phủ Baghdad, chính quyền Obama bao biện rằng đám binh binh lính Iraq tháo chạy khỏi thành phố này không phải là lực lượng đã được Mỹ đào tạo, huấn luyện.
Trên thực thế, đám binh sĩ tháo chạy này từng được cố vấn Mỹ đào tạo ít nhất một lần, nếu không muốn nói cụ thể là hai. Với tất cả thực tế đó, có một số người ở Washington đang đặt câu hỏi nghi ngờ về chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo hiện hành và đẩy Nhà Trắng đứng trước một lựa chọn khắc nghiệt: hoặc tiếp tục chiến lược hiện nay hoặc phải đưa bộ binh tham chiến.
Nếu người Mỹ chỉ có hai sự lựa chọn, thì có một điều rõ ràng là họ phải chọn một trong hai lựa chọn không mấy ưa thích đó.
Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng chỉ có hai lựa chọn kể trên?
Các chuyên gia quân sự đưa ra câu trả lời rõ ràng là không phải như vậy. Họ cho rằng tuy không đưa bộ binh trực tiếp tham chiến, nhưng Tổng thống Obama có thể sử dụng đội ngũ thám báo tinh nhuệ, chỉ điểm các mục tiêu IS cần bị không kích.
Về cơ bản đó là các quân nhân Mỹ bí mật thâm nhập vào những nơi mà phiến quân IS chiếm giữ và dùng tia laser hoặc thiết bị thông tin hiện đại nào đó để chỉ điểm cho các phi công ném bom chuẩn xác. Đây là lực lượng cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong trường hợp không quân Liên minh chống IS yểm trợ các lực lượng chính phủ Iraq phát động một cuộc tấn công ở trong thành phố (như cuộc tấn công tái chiếm Ramadi).
Đây là một nhiệm vụ rất nguy hiểm và chứa đựng rất nhiều rủi ro. Tổng thống Obama và người Mỹ sẽ phải “suy nghĩ hai lần” trước khi đưa ra quyết định này, sau khi đã được xem các video về việc phiến quân IS hành quyết tù binh dã man như thế nào.
Hành động nhiều hơn
Tổng thống Obama có thể bị mất quyền lựa chọn nếu công chúng Mỹ “sốt xình xịch” và đòi ông phải hành động nhiều, quyết liệt hơn nữa.
Ông Obama có thể tìm cách liên kết các lực lượng trong khu vực để hậu thuẫn cho quân đội Iraq. Tất nhiên là ông sẽ phải cần đến sự chấp thuận của chính phủ Iraq. Sự lựa chọn này vẫn đòi hỏi một số lính Mỹ tham chiến.
Điều đó có nghĩa là thương vong của lính Mỹ sẽ cao hơn. Khốn nỗi, Tổng thống Obama không có trong tay những lựa chọn ít rủi ro hơn cho đất nước và quân đội Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng bênh vực cho chiến lược chống IS hiện nay, khi ông tuyên bố vấn đề không nằm trong các kế hoạch của Mỹ, mà ở chỗ người Iraq thiếu ý chí chiến đấu. Đây quả là một cái tát đối với chính phủ Iraq, một chính phủ mà người Mỹ rất cần hợp tác để thực thi hiệu quả chiến lược chống IS.
Điều này khiến người ta nhớ đến “qui tắc trong cửa hàng bán đồ gốm” của Đại tướng Mỹ kiêm cựu Ngoại trưởng Colin Powell. Liên quan đến vấn đề Iraq, ông Powell đã trở nên rất nổi tiếng khi nói với Tổng thống Mỹ thời đó là George W Bush rằng trong cửa hàng gốm sứ, “nếu đánh vỡ, thì quý vị sẽ phải mua đền”.
Một câu hỏi cũng đang nổi tiếng ở Mỹ là: Chiến lược chống IS của Tổng thống Obama phải chăng đã lỗi thời và cuộc chiến chưa thấy hồi kết này sẽ tiêu tốn của nước Mỹ bao nhiêu tiền?