Thứ trưởng Ngoại giao Blinken đã tuyên bố như trên, một ngày sau khi ông và các giới chức của các nước trong liên minh họp tại Paris với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi để bàn về chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo.
|
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken: Chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo đã tiêu diệt 10.000 phiến quân IS.
|
Trong cuộc phỏng vấn với France Inter ngày 3/6, ông Blinken nói: "Đã có tiến triển quan trọng, nhưng Daesh (Nhà nước Hồi giáo) vẫn có khả năng phục hồi cao và vẫn có khả năng nắm thế chủ động”. Ông Blinken nói phiến quân IS ở Iraq hiện chỉ kiểm soát chưa đầy 25% diện tích so với thời điểm liên quân bắt đầu các cuộc không kích hồi tháng 8/2014 và nhóm này đã hứng chịu tổn thất lớn về nhân mạng cũng như vật chất.
Nhưng ông cũng thừa nhận những bước thụt lùi gần đây, gồm cả việc mất Ramadi, nơi binh lính Iraq bỏ chạy bất chấp có số lượng áp đảo so với phiến quân IS tấn công thành phố.
Số liệu 10.000 phiến quân IS bị tiêu diệt mà ông Blinken đưa ra chưa được kiểm chứng độc lập.
Tổ chức Quan sát Tình hình Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh nói vào cuối tháng Tư, các cuộc không kích của liên quân tại Syria đã khiến cho hơn 1.922 chiến binh IS thiệt mạng cùng 66 thường dân.
Hồi tháng 2/2015, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper nói với Quốc hội Mỹ rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo IS có thể tập hợp được "khoảng 20-30 ngàn chiến binh", nhưng đã bị "tiêu hao đáng kể".
|
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken tại cuộc họp Paris bàn về chiến lược mới chống Nhà nước Hồi giáo.
|
Mỹ bắt đầu lãnh đạo chiến dịch không kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo từ cuối tháng 8/2014 để yểm trợ cho quân đội Iraq trên bộ và một tháng sau đó đã mở rộng chiến dịch sang nước láng giềng Syria.
Từ đầu tháng 8/2014, các chiến đấu cơ của liên minh đã thực hiện hơn 4.200 cuộc không kích tại Iraq và Syria. Chiến dịch với khoảng trung bình 14 cuộc không kích mỗi ngày này đã giúp các lực lượng thân chính phủ Iraq chiếm lại một số khu vực, nhưng phiến quân IS vẫn tiếp tục lấn tới và đã chiếm được thành phố chiến lược Ramadi ở miền tây Iraq hồi tháng trước.
Các đại diện tham dự cuộc họp ở Paris đã hậu thuẫn kế hoạch của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhằm tái chiếm thành phố Ramadi bị phiến quân IS đánh chiếm tháng trước.
|
Thủ tướng Haider al-Abadi thúc giục liên quân hỗ trợ hơn nữa cho chính phủ Iraq cũng như cho phép nhận vũ khí từ Iran và Nga. |
Trước cuộc họp với các ngoại trưởng của liên minh ở Paris để thảo luận về chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo, Thủ tướng Haider al-Abadi than phiền rằng các lực lượng chính phủ Iraq đã không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của liên minh quốc tế. Ông Abadi nói cần phải có thêm thông tin tình báo và con số chiến binh nước ngoài băng biên giới vào Iraq đã không hề sút giảm.
Thủ tướng Al-Abadi thúc giục liên quân hỗ trợ hơn nữa cho chính phủ Iraq, trong đó có cả việc cho phép lấy vũ khí từ các nước đang bị áp lệnh trừng phạt là Iran và Nga.
Trong khi đó, ngày 3/6, Đại sứ Iraq tại Pháp Fareed Yasseen đã hoan nghênh quyết định của Mỹ cung cấp 2.000 tên lửa AT-4 tới nhằm đối phó với các vụ đánh bom tự sát bằng xe tải.
Các xe bọc thép có chở chất nổ đã được phiến quân sử dụng trong bốn vụ tấn công ngày 30/5 ở tây nam Baiji thuộc tỉnh Salahuddin, nhắm vào các lực lượng an ninh và các thành viên của lực lượng tình nguyện viên gồm chủ yếu là các tay súng Shi’ite của Lực lượng Huy động Nhân dân.
Một nguồn tin an ninh nói với BBC rằng 28 phiến quân IS đã bị giết chết và 36 người khác bị thương trong các vụ đánh bom nói trên.