Nghi ngờ chiến lược chống IS của Mỹ ở Iraq

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều chuyên gia và chính trị gia nghi ngờ chiến lược chống IS của Mỹ ở Iraq. Có người nói thẳng ra rằng chiến lược này đã thất bại.

Cách đây một tuần trước, phiến quân IS - vốn đang chiếm giữ dải đất quan trọng chiến lược ở Trung Đông - đã đánh chiếm Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của miền trung Iraq. Diễn biến mới nhất này làm nhiều chuyên gia nghi ngại về chiến lược chống IS của Mỹ ở Iraq.
Nghi ngo chien luoc chong IS cua My o Iraq
 Phiến quân IS diễu phố sau khi tràn vào chiếm thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.
Các chuyên gia nhận định, cách tiếp cận của chính quyền Obama là một sự kết hợp giữa tái đào tạo và tái xây dựng quân đội Iraq, thúc đẩy chỉnh phủ của  người Shi’ite hòa giải với cộng đồng người Sunni. Cùng với đó, Washington cũng không ngừng không kích vào các mục tiêu của phiến quân IS trong khi không đưa ra hứa hẹn nào về việc triển khai các binh sĩ bộ binh tới quốc gia Trung Đông này.
Cụ thể, chiến lược của ông Obama là cố gắng hòa giải về mặt chính trị với cộng đồng người Sunni đang bị cô lập, nhóm được cho là cung cấp tiền bạc và chiến binh cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, quá trình này có rất ít hi vọng. Trong khi đó, chính quyền Baghdad lại bắt tay hợp tác với các chiến binh dòng Shi’ite được hậu thuẫn bởi Iran, quốc gia bị cáo buộc đã sát hại nhiều người Sunni.
Mỹ đã tiếp cận các bộ tộc người Sunni theo cách riêng của họ và qua đó nước này đang giúp đào tạo các chiến binh thuộc dòng Hồi giáo này trong cuộc chiến chống lại IS. Tuy nhiên, do ít lính bộ binh Mỹ nên các nỗ lực này đều chưa thể tạo nhiều hiệu quả tích cực.
Chưa kể, nhiều quan chức tình báo Mỹ đánh giá, trong một khoảng thời gian, Iraq khó có thể quay trở lại hoạt động như một đất nước hòa hợp sắc tộc. Chưa kể, bất cứ sự sắp xếp chính trị trong tương lai đều sẽ bước chuyển giao quyền tự trị đáng kể cho ba nhóm cộng đồng chính, bao gồm nhóm người Sunni, Shi'ite và người Kurd. Tuy nhiên, dường như chính quyền Mỹ vẫn theo đuổi chính sách "một Iraq". Do vậy, Washington thường chuyển giao mọi sự hỗ trợ của mình thông qua Baghdad.
Mọi việc càng trở nên căng thẳng hơn vào ngày 24/5 khi các chính trị gia từ hai đảng ở Mỹ lên tiếng chỉ trích chiến lược mà Washington đang áp dụng ở Baghdad. Họ thúc giục Tổng thống Obama hành động tích cực hơn.
Ở một diễn biến khác, trong chương trình State of Union phát sóng trên kênh truyền hình CNN hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng, lực lượng Iraq do người Shi’ite dẫn dắt không có “ý chí chiến đấu” trong cuộc chiến giành lại thành phố Ramadi.
Nghi ngo chien luoc chong IS cua My o Iraq-Hinh-2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Mặc dù binh sĩ Iraq “đông hơn hẳn” so với IS, nhưng họ nhanh chóng rút lui một tuần trước đó mà không tiến hành phản công. Các lực lượng Iraq bỏ lại một loạt xe quân sự do Mỹ cung cấp, bao gồm nhiều xe tăng trong khi tháo chạy khỏi Ramadi.
“Những gì diễn ra (ở Ramadi) cho thấy rằng lực lượng Iraq không có ý chí chiến đấu. Thực tế, lực lượng IS không hề đông hơn quân chính phủ Iraq. Điều đó cho tôi thấy rằng, tinh thần chiến đấu chống lại IS và bảo vệ chính mình của lực lượng Iraq đang có vấn đề”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình sau sự kiện thành phố Ramadi rơi về tay phiến quân IS. Cho tới nay, Nhà Trắng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về phát biểu trên của Bộ trưởng Carter.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc hội Iraq, ông Hakim al-Zamili,  phản pháo rằng phát biểu đó của ông Carter là “phi thực tế và không có căn cứ”.
“Rõ ràng, lực lượng chúng tôi vẫn duy trì ý chí chiến đấu chống IS ở Ramadi. Tuy nhiên, chúng tôi thiếu các trang thiết bị vũ khí hiện đại cũng như không được hỗ trợ trên không”, ông al-Zamili nói.
Thanh Nga (Theo AP)

Bình luận(0)