Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và Nhật Bản: Mang nhiều kỳ vọng

Google News

Chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ Obama lần này không chỉ tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại, đối ngoại mà còn cả về những vấn đề lịch sử.

Trong suốt 8 năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama đã nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Trong tuần này, ông có chuyến công du quan trọng đến châu Á thăm Việt Nam và đến Nhật Bản cũng là để khẳng định nỗ lực của Mỹ trong việc xóa nhòa những ký ức đau thương về cuộc chiến ở Việt Nam và Thế chiến II.
Tong thong My toi Viet Nam va Nhat Ban: Mang nhieu ky vong
Tổng thống Mỹ Barack Obama xuống sân bay Nội Bài. Ảnh VOV.VN 
Chuyến đi mang nhiều mục đích
Theo thông báo của Nhà Trắng, ở Nhật Bản, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima và gặp gỡ những người còn sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến II. Ở Việt Nam, ông Obama sẽ có các hoạt động thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
“Tổng thống Mỹ sẽ có chuyến đi tới Nhật Bản, đó là một trong những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi trên thế giới. Tổng thống cũng tới Việt Nam, một đối tác mới nổi của chúng tôi. Hai điểm đến trong chuyến đi là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực vượt qua lịch sử khó khăn”, phó cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Ben Rhodes cho biết.
Giới quan sát cho rằng, sở dĩ chuyến đi của nhà lãnh đạo Mỹ tới hai quốc gia nói trên được đánh giá rất quan trọng bởi đây là hai quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang muốn thúc đẩy.
Đáng chú ý, khi có mặt ở Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), ông Obama sẽ tới thăm Hiroshima – đây được cho là cơ hội để nhìn nhận lại những nỗ lực của Mỹ đối với việc hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhưng ngay cả khi Tổng thống Barack Obama chuẩn bị khởi hành đến Hà Nội, bất ổn ở Trung Đông và các mối đe dọa khủng bố đối với phương Tây lại một lần nửa bùng lên sau khi các nhà điều tra cho biết, đang xem xét khả năng chuyến bay mang số hiệu MS804 của EgyptAir bị rơi khi trên đường từ Paris đến Cairo đã bị tấn công khủng bố.
Khủng bố là mối quan tâm chính tại các hội nghị Thượng đỉnh G7 trước đây và nhiều khả năng chủ đề làm thế nào để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Đông tìm đến châu Âu sẽ tiếp tục là trọng tâm trong các cuộc thảo luận ở Ise-Shima, Nhật Bản lần này.
Tổng thống Obama nhậm chức với sự kỳ vọng của nhiều người rằng, ông sẽ rút toàn bộ quân khỏi Iraq. Mặc dù Nhà Trắng cho biết, 5.500 nhân viên quân sự hiện đang có mặt ở Iraq và Syria không trực tiếp tham chiến nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuần qua lại khẳng định rằng, rõ ràng lính Mỹ đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở đây.
Đó là còn chưa kể đến việc rất khó có khả năng Mỹ có thể rút hoàn toàn quân khỏi Afghanistan - nơi mà tình hình đang ngày càng bất ổn trong bối cảnh Taliban vẫn nắm quyền kiểm soát thành phố Kunduz. Thực tế cho thấy, ông Obama đã phải thay đổi quyết định vạch ra năm 2012 đó là sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào năm 2016, thay vào đó, Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng 5.000 quân tại quốc gia này trong khi ông Obama đã chuẩn bị rời khỏi phòng Bầu dục.
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell nhận định: “Chúng tôi không thể cứ thế mà rời đi khi các điều kiện chưa chín muồi. Thách thức chính đặt ra là lựa chọn thời điểm. Đó chính xác là những gì mà Tổng thống đã làm – tìm kiếm thời điểm thích hợp để phân bổ lại nguồn lực, hướng tới châu Á – Thái Bình Dương”.
Bỏ lại sau lưng quá khứ đau buồn
Theo giới quan sát, chuyến đi của ông Obama lần này sẽ là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các cuộc đàm phán về thương mại, về đối ngoại và cả những vấn đề lịch sử.
Cách đây 16 năm khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton có mặt tại Hà Nội, với tư cách Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh, nhiệm vụ của ông Bill Clinton khi đó là đưa hình ảnh cuộc chiến lùi vào dĩ vãng. Chuyến đi tới Việt Nam sau đó được đánh giá là một trong những cột mốc đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bill Clinton.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama được cho là ít kịch tính hơn nhưng mang đến nhiều kỳ vọng hơn. Hai nước vốn có nhiều thập kỷ sống trong sự hiểu lầm và cảnh giác lẫn nhau, nhưng giờ đây đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy quan hệ phát triển mạnh mẽ.
Nhận định về chuyến thăm đáng chú ý của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, giới phân tích cho rằng, Mỹ và Việt Nam không hướng tới thành lập một liên minh bởi cả hai đều không sẵn sàng làm điều đó. Nhưng rõ ràng chuyến đi của ông Obama là một thông điệp mạnh mẽ về chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Nó cho thấy những hiểu lầm trong quá khứ có thể được giải quyết ngoài dự đoán của bất kỳ ai. Ngay cả những hiểu lầm tồi tệ nhất cũng có thể được nhanh chóng bỏ lại phía sau”, phó cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Ben Rhodes nói.
Trước chuyến thăm của ông Obama, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ như Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel lần lượt có mặt ở Hà Nội. Động thái này được nhiều người kỳ vọng sẽ có những quyết định quan trọng được lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đưa ra trong chuyến thăm của ông Obama lần này.
Theo giới phân tích, chắc chắn có mặt ở Hà Nội, ông Obama sẽ không bỏ qua cơ hội này để thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua các cuộc gặp gỡ với các doanh nhân, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam. Mỹ hiểu rõ rằng, Việt Nam – quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á có tầm quan trọng thế nào trong TPP và nếu các doanh nghiệp Mỹ không nhanh tay vào cuộc, cơ hội sẽ vụt mất.
Ông Obama có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, không giống như cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, ông không bị gánh nặng phải giải thích những gì đã làm trong chiến tranh bởi khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, ông Obama mới chỉ là một thiếu niên 14 tuổi.
Cùng với lý do trên và lịch trình mà Nhà Trắng công bố, có thể thấy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama tập trung vào tương lai quan hệ giữa hai nước hơn là nhìn lại những đau thương trong quá khứ. 
Theo VOV.VN

Bình luận(0)