Về lịch trình Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biế: Tổng thống Barack Obama sẽ rời thủ đô Washington vào ngày 21/5 để tới Hà Nội. Tại đây, ông sẽ hội kiến với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 25/5/2016. Ảnh AP |
Tại thủ đô Hà Nội, ông Obama dự kiến có bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ cũng như gặp gỡ các thành viên của xã hội dân sự Việt Nam.
Ngày 24/5, ông sẽ bay vào TP Hồ Chí Minh để gặp gỡ các thành viên của “Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á” và cộng đồng doanh nhân. Một ngày sau đó, ông sẽ rời Việt Nam để đi Nhật Bản.
Vấn đề gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí
Theo BBC, một trong các chủ đề được quan tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam là liệu Mỹ có gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí mà Việt Nam lâu nay vẫn yêu cầu hay không.
Các quan chức ngoại giao Việt Nam cho rằng đã tới lúc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để cho thấy hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn và hướng tới tương lai. Theo hãng tin Reuters, Việt Nam mới đây tổ chức hội thảo về vũ khí với sự tham gia của các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ.
Gần đây, nhiều nghị sĩ Mỹ - trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain – đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương vốn được áp sau Chiến tranh Việt Nam và kéo dài tới nay.
Trong thông cáo ngày 18/5/2016, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói: "Mỹ phải tiếp tục làm việc với những đối tác như Việt Nam để tăng cường trao đổi thông tin hàng hải và khả năng phản ứng trên Biển Đông. Chúng ta tăng cường khả năng của Việt Nam đóng góp vào hoạt động hàng hải bằng việc gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí đối với chính phủ Việt Nam".
Thông cáo viết tiếp: "Việt Nam nên được phép mua khí tài trên bộ và trên biển để tăng cường khả năng của quân đội Việt Nam để hoạt động hiệu quả hơn trên bộ và trong khu vực vùng biển lãnh thổ. Đã đến lúc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này”.
Song cũng có một số nhà lập pháp Mỹ khác cho rằng chưa nên gỡ bỏ lệnh cấm vận và một số tờ báo của Mỹ cũng đặt câu hỏi: Liệu việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thường đối với Việt Nam có là “quá sớm”?
Theo VOA, khi được hỏi trong một cuộc họp báo hôm 18/5 rằng Việt Nam sẽ được phép mua loại vũ khí nào từ Mỹ nếu lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ hoàn toàn, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ phải xem xét từng trường hợp cụ thể... Ông Russel nói thêm: “Chúng tôi hết sức cẩn trọng đối với bất kỳ đề xuất (mua vũ khí nào) của Việt Nam trong tương lai”.
Theo đài Sputnik, trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes cho biết. Ông Rhodes nói: "Chúng tôi đã không thực hiện quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề này, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là chủ đề thảo luận với Việt Nam”. Theo ông Rhodes, quyết định này sẽ liên quan đến việc quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào, trong đó bao gồm cả vấn đề nhân quyền.
Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Mỹ-Việt
Trong một bài phân tích đăng tải ngày 20/5, hãng tin Anh Reuters nhận định: Việt Nam muốn tiếp cận công nghệ quốc phòng và thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Mỹ để chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, trực tiếp đe dọa chủ quyền Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ, nước được cho là muốn tìm thêm đồng minh và đối tác trong khu vực để ngăn cản Trung Quốc “cưỡng chiếm” toàn bộ Biển Đông.
Trả lời hãng tin AP, ông Marvin Ott - nguyên giảng viên tại Trường Hải Chiến Mỹ - đã nêu bật tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong chính sách “xoay trục” của Mỹ sang Châu Á, đặc biệt là về mặt quân sự tại Biển Đông.
Đối với chuyên gia Marvin Ott, trong số các quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam là nước có năng lực nhất. Indonesia tuy lớn nhưng không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cho dù hai bên có yêu sách biển chồng chéo trên biển. Philippines là một đồng minh của Mỹ, nhưng quân đội lại rất yếu kém. Malaysia và Brunei thì lại không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.