Video ông Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức Tổng thống Philippines (Nguồn video CCTV):
Chỉ trong vòng 2 tháng lên nắm quyền Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế với những phát ngôn gây sốc. Cụ thể, ông Duterte trực tiếp lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, đe dọa đưa Philippines rời khỏi Liên Hợp Quốc và chỉ trích Giáo hoàng gây tắc nghẽn giao thông.
Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 – 29 tại Vientiane, Lào từ ngày 6 - 8/9 là sự kiện Tổng thống Duterte lần đầu tiên xuất hiện trước các nhà lãnh đạo thế giới. Cuộc họp này còn có sự tham dự của Tổng thống Obama cùng các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra, Tổng thống Philippines đã có lời xúc phạm nặng nề tới người đồng cấp Obama buộc Nhà Trắng hủy bỏ cuộc họp song phương giữa hai nước. Theo đó, ông Duterte đã gọi Tổng thống Obama là "đồ khốn" và cảnh báo ông Obama không nên chất vấn hoạt động giết chóc trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
"Tổng thống Duterte hiện là nhà lãnh đạo được nhắc tới nhiều nhất ở châu Á và trên thế giới", Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin Andanar.
Tổng thống Duterte là nhà lãnh đạo ít kinh nghiệm ngoại giao nhất trong các cuộc họp thảo luận về nhiều chủ đề nóng như tình hình Biển Đông. Trong khi người tiền nhiệm là Tổng thống Benigno Aquino thường xuyên có những lời lẽ chỉ trích gay gắt hành động xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông thì ông Duterte lại nghiêng về phương pháp tiếp cận hòa nhã hơn với Trung Quốc.
Mối quan hệ liên minh quân sự Mỹ - Philippines nóng lên trong thời gian gần đây liên quan tới việc ông Duterte chỉ trích những ai "chĩa mũi" vào chiến dịch chống ma túy đã giết hơn 2.400 người ở Philippines. Bởi Mỹ là một trong những nước lên án mạnh mẽ nhất chiến dịch này trước những quan ngại về vấn đề nhân quyền.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có lời xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào.
|
Hai nhà lãnh đạo Philippines và Mỹ từng có kế hoạch đối thoại song phương tại Lào. Tuy nhiên trước khi đáp chuyến bay tới Lào hôm 5/9, trả lời trước câu hỏi của phóng viên ở Trung Quốc về việc phản ứng của Tổng thống Philippines nếu người đồng cấp Mỹ chất vấn, ông Duterte nói: "Tôi sẽ lăng mạ ông ấy ngay trong cuộc họp".
"Tôi không quan tâm tới ông ta. Ông ta là ai chứ? Philippines không phải là một nước chư hầu. Lâu nay chúng tôi không còn là thuộc địa", Tổng thống Philippines nói thêm.
Phát biểu có phần ngang ngược của ông Duterte đã khiến Nhà Trắng tuyên bố hủy cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Philippines vào sáng sớm hôm 6/9. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, ông Duterte đã có tuyên bố mang tính hối hận về những lời bình luận mang tính chỉ trích nhắm tới Tổng thống Obama. Và hai nước đồng ý tổ chức một cuộc họp sau này.
Dù từng giữ chức Thị trưởng của một thành phố với 1,6 triệu dân sinh sống trong suốt 20 năm, song ông Duterte lại là người có rất ít kinh nghiệm trên trường ngoại giao quốc tế.
"Hội nghị thượng đỉnh ASEAN là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên ông Duterte tham dự do đó khó có thể đoán được chính xác nhà lãnh đạo Philippines sẽ thể hiện như thế nào", chuyên gia nghiên cứu khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington, ông Gregory Poling nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 – 29 tại Lào cũng là cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo trong khu vực kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến đường mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm.
Người thích chỉ trích
Câu hỏi đặt ra là trong thời gian tới, Tổng thống Duterte sẽ làm thế nào để dung hòa mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Bởi mới đây, nhà lãnh đạo Philippines ra tuyên bố mở rộng hợp tác khai thác tài nguyên trên Biển Đông với Trung Quốc song cũng đưa ra lời cảnh báo về một cuộc chiến "đẫm máu" nếu Bắc Kinh quá đáng. Thậm chí, ông Duterte còn yêu cầu phía Mỹ lý giải bằng cách nào để thực thi cam kết bảo vệ các lợi ích của Philippines và còn bóng gió với Washington về việc ông này sẽ mở rộng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc.
|
Chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
|
"Hiện giờ, có lẽ Mỹ là quốc gia theo dõi sát nhất mọi động thái của ông Duterte. Theo quan điểm của Trung Quốc, ông Duterte không phải là người theo đường lối ôn hòa song lại có những biến chuyển tích cực so với người tiền nhiệm Aquino. Còn đối với Mỹ, ông Duterte là một người trung lập nhưng lại có những thay đổi mang tính tiêu cực so với cựu Tổng thống Aquino", nhà phân tích Christian Lewis nhận định.
Chiến dịch chống ma túy là sự kiện mà ông Duterte vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Về phần mình, nhà lãnh đạo Philippines đã lên tiếng phản đối những tuyên bố từ Liên Hợp Quốc và đe dọa ra khỏi tổ chức này. Thậm chí, ông Duterte còn có lời lẽ xúc phạm nặng nề với đại sứ Mỹ Philip Goldberg sau khi vị quan chức này bình luận về chiến dịch chống ma túy ở Philippines.
Phát biểu trước giới báo chí hôm 5/9, ông Duterte một lần nữa chỉ trích Mỹ khi cáo buộc Philippines vi phạm nhân quyền liên quan tới chiến dịch chống ma túy giết bỏ tội phạm mà không cần qua xét xử.
"Tôi không muốn gây sự với ông Obama nhưng chắc chắn tôi sẽ không chịu ơn bất cứ ai. Không một ai được can thiệp bởi Philippines là một quốc gia độc lập. Không ai có quyền giao giảng cho tôi. Tôi sẽ có lời lẽ không tôn trọng với bất cứ ai can thiệp vào chuyện của tôi", Bloomberg dẫn lời ông Duterte.
Ông Duterte cũng đã từ chối gặp mặt Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon tại Lào song lại nhấm mạnh lời đe dọa rời khỏi LHQ chỉ là trò đùa. Còn trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte từng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi cáo buộc chuyến thăm của Giáo hoàng tới Philippines đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.
"Duterte luôn sẵn sàng đưa ra lời chỉ trích. Ông ta có thể phê phán bất cứ nhà lãnh đạo ASEAN nào chỉ trích mình bao gồm cả Tổng thống Obama liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Philippines", Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, ông Benito Lim nói.