Philippines vốn là một trong những nước ủng hộ Mỹ mạnh nhất trong đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, một tuyến hàng hải thương mại quan trọng mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép đảo nhân tạo, sân bay và các cơ sở quân sự khác.
|
Thị trưởng Rodrigo Duterte trong chiến dịch vận động bầu cử tổng thống Philippines. Ảnh Reuters |
Ứng viên Duterte đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9/5/2016 và từng ủng hộ đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông này cũng đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển, theo luật pháp quốc tế.
Độc lập với Mỹ, không loại trừ đàm phán song phương
Khi được các phóng viên hỏi liệu ông có thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, Tổng thống đắc cử Duterte trả lời: "Chúng tôi có hiệp ước với phương Tây, nhưng tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi sẽ theo đuổi đường lối của mình. Đường lối này sẽ không phụ thuộc vào Mỹ và nó sẽ không có ý định làm hài lòng bất cứ ai, trừ những lợi ích của Philippines”.
Trước cuộc bầu cử tổng thống, Philippines đã đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, bất chấp sự tẩy chay của Trung Quốc. Phán quyết của PCA dự kiến được đưa ra trong tuần tới.
Tổng thống đắc cử Duterte nói: "Tôi đang chờ đợi phán quyết của tòa án trọng tài. Nó sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi trong rất nhiều lĩnh vực ... Nhưng như quí vị đã biết, tôi không sẵn sàng đi đến chiến tranh vì nó sẽ chỉ dẫn đến một vụ thảm sát ".
Ông Duterte đã nói như trên, khi ông tiết lộ danh sách nội các một ngày sau khi phiên họp chung của Quốc hội Philippines tuyên bố ông là người đắc cử tổng thống. Ông sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Philippines vào ngày 30/6/2016.
Ông Perfecto Yasay, người đã được Tổng thống đắc cử Duterte chọn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, nói trước báo giới: "Tôi không cho rằng có một cách nào khác để giải quyết tranh chấp này, ngoại trừ nói chuyện với nhau. Chúng tôi chắc chắn sẽ nối lại các cuộc đàm phán song phương vì đó là cần thiết”.
Công bố một phần danh sách nội các đề cử
Nội các được Tổng thống đắc cử Rodrigo Duteter lựa chọn bao gồm nhiều cựu binh sĩ, sĩ quan cảnh sát từ thành phố Davao và quan chức từ 5 chính phủ trước đó. Trong đó, ông Carlos Dominguez giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Giáo sư kinh tế Ernesto Pernia được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế.
Ông Carlos Dominguez từng giữ chức bộ trưởng khai khoáng và bộ trưởng nông nghiệp trong hai chính phủ tiền nhiệm. Ông này xuất thân từ một gia đình giàu có, kinh doanh bất động sản và khách sạn. Trong khi đó, giáo sư Ernesto Pernia từng theo học ở Mỹ và vốn là một nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Bên cạnh đó, một số lực lượng cánh tả được chọn đứng đầu một số bộ như Bộ Cải cách ruộng đất, Bộ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Bộ Lao động và việc làm hoặc Bộ Phúc lợi xã hội và phát triển.
Các chức vụ bộ trưởng chủ chốt chủ yếu được lựa chọn nhằm trấn an các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tiếp tục công cuộc cải cách đã tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Philippines. Các chức vụ này cũng là chỉ dấu cho thấy nỗ lực của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Ông Duterte cũng chọn ông Nicanor Faeldon, một cựu thủy quân lục chiến từng cầm đầu một mưu toan đảo chính cách đây một thập kỷ, làm người đứng đầu ngành hải quan - cơ quan lớn thứ hai của Philippines xét về doanh thu. Trong tháng 12/2015, ông Faeldon đã dẫn đầu một đoàn biểu tình Philippines đến một hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông do Philippines quản lý và đã gây ra phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Một số vị trí nội các Philippines vẫn chưa được công bố và hai trong số 21 chức vụ này đã dành cho phụ nữ, cho đến thời điểm hiện tại.