Philippines dưới thời tân Tổng thống Rodrigo Duterte

Google News

(Kiến Thức) - Thị trưởng Rodrigo Duterte đã triệt để khai thác sự phẫn nộ của dân chúng để đắc cử tổng thống, nhưng Philippines sẽ ra sao dưới sự cai quản của ông?

Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte đang đứng trước vô vàn khó khăn để đoàn kết đất nước, nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất là việc làm cho mọi người thấy rằng Philippines sẽ không bị suy thoái và chính sách của ông thực sự phù hợp với nền dân chủ hiện đại.
Philippines duoi thoi tan Tong thong Rodrigo Duterte
Thị trưởng Rodrigo Duterte trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Philippines. Ảnh Xinhua 
Cựu thị trưởng của thành phố Davao, Rodrigo Duterte, đã sử dụng cuộc họp báo đầu tiên sau khi giành gần 40% tổng số phiếu bầu để nói về việc thẳng tay tiêu diệt tội phạm: "Nếu chúng chống cự một cách bạo lực, tôi ra lệnh cho cảnh sát nổ súng tiêu diệt”. Ông Duterte cũng kêu gọi phục hồi án tử hình vốn đã bị bãi bỏ ở Philippines cách đây một thập kỷ.
Thay thế “danh gia vọng tộc “ bằng “gia đình trị”?
Chiến dịch tranh cử tổng thống Philippines của Thị trưởng Duterte được tiến hành một cách dân túy, khai thác triệt để tâm trạng bất mãn của dân chúng đối với giới thượng lưu chính trị ở Manila. Cội nguồn bình dân của ông ở Cebu và Mindanao, miền nam Philippines, cũng khiến ông trở thành mẫu chính khách hoàn toàn khác với các vị tổng thống Philippines tiền nhiệm. Chỉ có điều trong khi tìm cách tự thể hiện mình là một người thách thức các “danh gia vọng tộc” thay nhau cai trị đất nước Philippines một cách yếu kém, ông Duterte lại tự xây dựng phe cánh và cơ sở quyền lực riêng ở thành phố Davao, thủ phủ của Mindanao.
Ông Duterte đắc cử chức thị trưởng Davao năm 1988 và làm thị trưởng trong ba nhiệm kỳ liên tiếp. Ông đã buộc phải rời bỏ chức vụ này trong năm 1998, theo qui định của Hiến pháp Philippines.
Sau khi làm một thời gian ngắn đại diện cho thành phố Davao tại Hạ viện Philippines, ông Duterte lại ra tranh cử chức thị trưởng Davao trong năm 2001 và giữ chức này trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp nữa cho đến năm 2010. Sau đó, ông làm cấp phó cho con gái là Thị trưởng Sara Duterte-Carpio , chỉ để giành lại danh hiệu Thị trưởng Davao trong năm 2013. Trong suốt ba thập kỷ, ông Duterte đã xây dựng được một triều đại “gia đình trị” vững chắc ở thành phố Davao.
Trong chiến dịch vận động bầu cử, ứng viên Tổng thống Duterte đã rao bán thành công thương hiệu “chống tội phạm và chống tham nhũng” của mình ở những phần còn lại của đất nước Philippines. Kết quả bầu cử vừa qua cho thấy các cử tri Philippines muốn “thay đổi bằng bất cứ giá nào”.
Chế độ độc tài và nguy cơ đảo chính
Mặc dù ông Duterte đã được bầu làm Tổng thống Philippines, nhưng ông lại không nhận được sự hậu thuẫn của giới tinh hoa chính trị ở Manila.
Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino đã lên tiếng cảnh báo về sự quay trở lại của chế độ độc tài với chiến thắng của ứng viên Duterte. Thị trưởng Duterte cũng khó có thể rũ bỏ các biệt danh “nhà độc tài tương lai”, “Harry bẩn” và đặc biệt là tuyên bố cho phép những người thi hành công vụ có quyền “bắn chết tội phạm” mà không cần đưa ra xét xử.
Phe đối lập sẽ triệt để khai thác những chủ đề này để làm suy yếu và mất uy tín Tổng thống Duterte.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes Fuentes, sĩ quan hải quân về hưu chuyển sang làm chính trị và khét tiếng qua các vụ âm mưu đảo chính, đã cảnh báo rằng ông không loại trừ một cuộc can thiệp của quân đội dưới thời Duterte.
Các cuộc đảo chính quân sự đã liên tục đeo bám lịch sử chính trị Philippines kể từ khi chế độ độc tài Marcos sụp đổ. Chính quyền của Tổng thống Corazon Aquino đã phải đối mặt với ít nhất là bảy âm mưu lực đảo chính từ năm 1986 đến năm 1992. Gần đây nhất là vụ lật đổ Tổng thống Joseph Estrada vào năm 2001 và nhiều nỗ lực loại bỏ Tổng thống kế nhiệm Arroyo. Điều này cho thấy đảo chính quân sự đã trở thành một phần trong đời sống chính trị ở đất nước Philippines đương đại.
Quan hệ với Trung Quốc, xử lý vấn đề Biển Đông
Trong khi Tổng thống đắc cử Duterte hứa tăng lương cho cảnh sát, binh sĩ quân đội, hiện chưa rõ liệu ông có tiếp tục quá trình hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang của Philippines dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Aquino.
Tổng thống Arroyo, người đã bị chỉ trích quá thân Trung Quốc, đã bỏ qua việc đối phó với các thế lực bên ngoài và chỉ chú tâm vào việc dẹp yên các mối đe dọa khủng bố trong nước. Ngược lại, chính quyền của Tổng thống Aquino lại phải đối phó với “giặc ngoài” khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, với việc tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập Reed Bank trong năm 2011 và đối đầu quân sự kéo dài hai tháng ở bãi cạn Scarborough năm 2012.
Tổng thống đắc cử Duterte sẽ thừa hưởng chương trình hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Philippines trị giá 83.9 tỷ Peso (1,77 tỷ USD), trong đó đã chi 56,79 tỷ Peso để mua sắm vũ khí khí tài. Do chương trình hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Philippines, việc Tổng thống đắc cử Duterte tuyên bố theo đuổi “các lựa chọn khác” với Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc đầu tư vào an ninh đối ngoại không còn được ưu tiên như trước đây.
Mặc dù không phủ nhận tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, Rodrigo Duterte vẫn tuyên bố ông muốn quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Điều này cho thấy ông sẽ làm sống lại các chính sách dưới thời Tổng thống Arroyo, thay vì tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino. Ông Duterte đã để ngỏ khả năng thăm dò chung dầu khí ở vùng biển tranh chấp.
Trong khi đó, Thỏa thuận năm 2004 giữa chính quyền Arroyo với Trung Quốc đã bị công luận lên án là bán rẻ lãnh thổ Philippines. Sau thỏa thuận này, chính quyền Arroyo đã được Trung Quốc cấp kinh cho dự án đường sắt gây nhiều tranh cãi bắc Luzon, một dự án làm nổi lên nhiều cáo buộc tham nhũng chống lại cá nhân Tổng thống Arroyo.
Trên một động thái tương tự, ứng viên Duterte nói ông sẽ "ngậm miệng” (shut up) trước các hoạt động đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu đổi lại cường quốc Châu Á này xây dựng cho Philippines cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng.
Khi thời kỳ trăng mật đã qua và xảy ra những vụ cảnh sát “bắn chết người vô tội vạ” cùng với việc ông Duterte “quá thân Trung Quốc”, sự ủng hộ của người dân dành cho tân Tổng thống Philippines có thể tan biến nhanh chóng. Vấn đề Biển Đông cũng có thể trở thành “tai ương” đối với tân Tổng thống Duterte, nếu ông từ bỏ cách tiếp cận đa phương và chuyển sang đàm phán song phương chắc chắn sẽ thất bại với Trung Quốc.
Sau một lịch sử đầy biến động với nhiều mưu toan đảo chính và bất ổn chính trị, vấn đề được đặt ra là liệu giới tinh hoa chính trị, quân đội và cả những người dân Philippines thấy cuộc sống vẫn không được cải thiện sau bầu cử ... có chấp nhận vị tổng thống “gây sốc và đầy mâu thuẫn” Rodrigo Duterte hay không?
Video ứng viên Rodrigo Duterte phát biểu sau cuộc bầu cử tổng thống  Philippines. (Nguồn Inquirer):
Minh Châu (Theo Inquirer)

Bình luận(0)