Trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest, nhà bình luận chính trị Robert W. Merry nhắc lại việc một số nhân vật đã trở thành tổng thống Mỹ bất chấp tầng lớp tinh hoa chính trị ở Washington cho rằng họ không bao giờ có cơ hội đắc cử. Trong số này có các vị Tổng thống Mỹ như Abraham Lincoln, Ronald Reagan và Barack Obama.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, nhiều "điều không tưởng đã biến thành hiện thực". Hiện thời, một kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với tỷ phú bất động sản Donald Trump, người ra tranh cử từ “hư không” nhưng lại trở thành ứng viên tổng thống mặc định của Đảng Cộng hòa.
|
Tỷ phú bất động sản Donald Trump, người ra tranh cử từ “hư không” nhưng lại trở thành ứng viên tổng thống mặc định của Đảng Cộng hòa. Ảnh Business Insider |
Có một số lý do giúp ông trùm bất động sản Donald Trump dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ, khiến các đối thủ được coi là “nặng ký” hoặc “danh gia vọng tộc” lần lượt bỏ cuộc và trở thành ứng viên tổng thống duy nhất còn lại của Đảng Cộng hòa. Đáng nói là ứng viên Donald Trump đã hội đủ số đại biểu cần thiết để giành quyền đề cử của Đảng Cộng hòa trong tháng 7/2016, mặc dù còn nhiều bang quan trọng chưa tiến hành bầu cử sơ bộ.
Yếu tố thứ nhất là tỷ phú Donald Trump đã nói lên tâm trạng thất vọng của đông đảo cử tri Mỹ đối với các thể chế chính trị hiện hành đang "triệt tiêu tự do ngôn luận và tự do tư tưởng" ở nước Mỹ. Theo nhà bình luận chính trị Robert W. Merry, tư duy chính trị đương đại đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa cái gọi là “quan điểm bất hợp pháp” và “quan điểm được chấp nhận” chỉ trong vòng có vài năm. Tỷ phú Donald Trump đã nắm bắt được xu thế này.
Mặc dù Trump đã bị cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa cực lực chỉ trích về tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh người Hồi giáo vào nước Mỹ, các cuộc thăm dò dư luận lại cho thấy không ít cử tri Mỹ lại tán đồng quan điểm bị coi là cực đoan phi chính trị này.
Một yếu tố khác là Donald Trump đã bày tỏ quyết tâm trong việc khóa chặt các đường biên giới Mỹ để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Trước đó, không một chính khách nào ở Washington đã đưa ra được một giải pháp khả thi cho vấn đề này. Donald Trump đã thể hiện thái độ khinh thị đối với tầng lớp tinh hoa chính trị, thông qua các cuộc tranh luận và đã nói rõ rằng ông ta sẽ làm một cái gì đó để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Donald Trump không chỉ kích động các cuộc tranh luận về vấn đề này mà còn là động lực thúc đẩy vấn đề.
Nhà bình luận chính trị Robert W. Merry cũng lưu ý rằng mặc dù những nhân vật theo chủ nghĩa toàn cầu vẫn thống trị các cấu trúc tinh hoa như phương tiện truyền thông, các tập đoàn, tài chính, Hollywood, các tổ chức tư vấn ..., tình cảm dân tộc chủ nghĩa vẫn còn khá phổ biến ở nước Mỹ. Hiện thời, những người Mỹ thất vọng và theo chủ nghĩa dân tộc quay sang dồn phiếu cho ứng viên “nói thẳng, nói thật” Donald Trump.
Một lý do nữa giải thích sự thành công của ứng viên-tỷ phú Donald Trump là tình trạng suy giảm của tầng lớp trung lưu, những người vốn được coi là động lực của sự phát triển và tiến bộ của nước Mỹ.
Theo một báo cáo năm 2015 của Trung tâm nghiên cứu Pew, tầng lớp trung lưu Mỹ đã bị co lại còn hơn một nửa dân số, so với 61% hồi cuối những năm 1960. Kinh tế Mỹ suy giảm đã làm gia tăng đáng kể các vụ ly dị, tình trạng nghiện rượu, sử dụng ma túy và tự tử.
Hiện thời, những người Mỹ cảm thấy bị giới tinh hoa chính trị bỏ rơi và chỉ "tập trung vào việc giúp đỡ người nghèo và những người nhập cư"... đã có phát ngôn viên của họ và người đó là Donald Trump.
Cuối cùng, yếu tố "dung tục của văn hóa Mỹ" cũng đã nhập cuộc. Một cuộc tấn công kéo dài hàng thập kỷ vào các tập tục truyền thống và các giá trị liên quan đến tình dục, sử dụng ma túy, ngôn ngữ đời thường, hôn nhân, đạo đức... đã khiến cho xã hội Mỹ chấp nhận các hành vi vốn bị xã hội truyền thống lên án.
Nhà bình luận chính trị Robert W. Merry kết luận: "Sự tầm thường của văn hóa Mỹ" đã mở đường cho sự lên đời của “thương hiệu Trump” vốn bị tầng lớp thượng lưu coi là "lòe loẹt vô giá trị”.
Video tỷ phú Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử ở Ohio. (Nguồn Daily Mail):