Theo Deutsche Welle (DW), căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã tăng lên trong nhiều năm qua do yêu sách lãnh thổ quá đáng ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có nhiều tài nguyên và có tuyến hàng hải thương mại huyết mạch của thế giới với khối lượng hàng hóa 5 nghìn tỷ USD qua lại mỗi năm.
|
Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
|
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đắp đảo trái phép ở các vùng biển tranh chấp và xây dựng nhiều đường băng quân sự. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục đem máy bay và tàu chiến để bảo vệ quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông
Trước sự leo thang căng thẳng nguy hiểm ở Biển Đông, nhiều người tự hỏi Mỹ đã phát đi thông điệp gì bằng cách đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa?
Nhà phân tích Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến hàng hải minh bạch ở Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, nói với DW rằng “Tự do hàng hải” (Freedom of Navigation - FON) không phải là đe dọa quân sự hay phát đi một thông điệp ngoại giao. Ông Poling nói: “ Đây là công cụ pháp lý để khẳng định rằng Mỹ không công nhận mọi yêu sách chủ quyền biển quá đáng, bất kể yêu sách của nước nào”. Điều này không phải là chưa có tiền lệ và cũng không nhằm chỉ nhắm vào một mình Trung Quốc.
Mỗi năm, Mỹ đã tiến hành hàng chục hoạt động “Tự do hàng hải” (FON) trên toàn thế giới và đã làm như vậy kể từ năm 1979. Ông Poling nói: "Những hoạt động FON nhắm vào tất cả các nước: từ các đối thủ địa chính trị đến một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ”.
Việc Trung Quốc không chịu làm rõ tình trạng pháp lý của các vùng biển xung quanh các hòn “đảo nhân tạo” đã buộc Mỹ phải hành động quyết liệt.
Nhà phân tích Poling nói: "Các tính năng ngập dưới mặt nước biển không thể tạo ra các vùng lãnh hải và Đá Xu Bi chính là một tính năng ngập nước trước khi Trung Quốc biến rạn san hô chìm này thành ‘đảo nhân tạo’ nổi. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đảo nhân tạo chỉ được hưởng một vùng biển an toàn rộng 500 mét, tính từ mép nước. Phản ứng chính thức của Trung Quốc đã nặng về bày tỏ phẫn nộ nhưng lại thiếu lý lẽ biện minh. Việc thường xuyên thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc như vụ tàu chiến USS Lassen sẽ khiến cho Trung Quốc khó có thể né tránh việc khai báo trước thế giới về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của nước này cụ thể là gì và lý do vì sao Bắc Kinh lại đưa ra tuyên bố chủ quyền như vậy”.
Diễn giải khác nhau UNCLOS
Cốt lõi của vấn đề là tình trạng diễn giải khác nhau về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bắc Kinh đã yêu sách lãnh thổ bên trong cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn” (bản đồ đường lưỡi bò) vô cùng phi lý do người Trung Quốc tự vẽ trong Thế kỷ 20 mà không dựa trên bất cứ luật lệ quốc tế hiện hành nào. Đáng nói là cái bản đồ “đường lưỡi bò” tham lam và phi lý nói trên lại liếm trọn 90% diện tích Biển Đông rộng 3,5 triệu km2.
Theo các học giả Trung Quốc, nước họ có chủ quyền đối với tất cả các tính năng nằm trong cái bản đồ “đường lưỡi bò” này và có cả quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán theo quy định của UNCLOS, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Tuy nhiên, nhiều học giả quốc tế như giáo sư người Mỹ Zachary Abuza - một chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á – đã cực lực bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Giáo sư Abuza nói: “Người Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền thái quá không có cơ sở luật pháp quốc tế. UNCLOS nói rõ ràng rằng các đảo nhân tạo không được hưởng lãnh hải hoặc EEZ. Tương tự, cái gọi là ‘bản đồ đường 9 đoạn’ của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đang đơn phương yêu sách lãnh thổ thái quá và tìm cách bóp méo luật pháp quốc tế”.
Một phần của chiến lược của Mỹ là nhằm ngăn cản Bắc Kinh tuyên bố vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là lãnh hải Trung Quốc.
Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ SCS và hành động “cưỡng bức” của Bắc Kinh đã chà đạp lên quyền lợi của các nước khác và gây ra những thiệt hại đáng kể cho môi trường Biển Đông.
Các buổi điều trần của PCA đã diễn ra vào đầu tháng Bảy để kiểm tra lập trường của Trung Quốc về việc tòa án trọng tài quốc tế này không có quyền tài phán đối với đơn kiện của Philippines. Trung Quốc đã từ chối theo kiện, kêu gọi Philippines rút đơn kiện và tiến hành đàm phán song phương.
Những kịch bản có thể
Trung Quốc luôn tuyên bố rằng nước này sẽ không bao ngăn cản việc lưu thông thương mại, đặc biệt là thương mại đi qua Biển Đông.
Nhưng ông Michael Swaine - một chuyên gia về an ninh Trung Quốc và Đông Nam Á tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for Peace International – nói Washington lo ngại rằng nếu Bắc Kinh tuyên bố hầu hết diện tích Biển Đông là một phần lãnh thổ Trung Quốc, Trung Quốc sau đó tìm cách kiểm soát những vùng biển này và có thể cản trở Hải quân Mỹ qua lại Biển Đông.
Nhà phân tích Michael Swaine lưu ý: “Bắc Kinh có thể tìm cách ngăn chặn Mỹ tàu vào khu vực bằng cách bố trí tàu thuyền chặn đường. Trung Quốc cũng có thể cho tàu chiến bám đuôi tàu Mỹ một cách nguy hiểm, mặc dù điều đó sẽ vi phạm các thỏa thuận giữa hai nước. Người Trung Quốc cũng có thể thả thủy lôi ở một số khu vực trọng yếu, nhưng đây sẽ là hành động bất hợp pháp và có thể bị xem như là hành động gây chiến. Nhưng ít có khả năng họ sẽ làm điều này”.
Nhà phân tích Abuza lo ngại khả năng Trung Quốc có thể thực hiện các bước đi để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Ông nói: "Họ (Trung Quốc) đã thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, nhưng không có khả năng thực thi. Vì vậy, người Trung Quốc dường như đang tăng cường năng lực quân sự... bao gồm việc xây dựng bốn sân bay ở các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để thực thi ADIZ, nếu họ tuyên bố thiết lập".
Nếu Trung Quốc và Mỹ không sẵn sàng hoặc không thể đạt được một số thỏa thuận về vấn đề này, căng thẳng ở Biển Đông có thể leo thang do các cuộc đối đầu bằng máy bay và tàu chiến trở nên thường xuyên hơn, dẫn đến nguy cơ va chạm có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải gặp nhau và thảo luận chi tiết quyền lợi, chính sách, quan điểm trong khu vực để có thể đạt được một số nhận thức chung hoặc các quy tắc tối thiểu mà hai bên có thể chấp nhận được. Nhà phân tích Swaine nói: “Việc để cho vấn đề này leo thang thành một cuộc đối đầu vũ trang là không nằm trong lợi ích của cả Mỹ lẫn Trung Quốc”.