Sáng 12/2, Ngoại trưởng Kerry nói với báo giới ở Munich rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Syria sẽ không áp dụng đối với các nhóm khủng bố, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận al-Nusra và các nhóm khác. Ông tuyên bố: “Đó (thỏa thuận đình chiến Syria) là một tham vọng, nhưng mọi người đều quyết tâm xúc tiến càng nhanh càng tốt để tìm cách đạt được việc này. Thỏa thuận sẽ áp dụng đối với tất cả các bên ở Syria - ngoại trừ các tổ chức khủng bố Daesh (Nhà nước Hồi giáo) và Mặt trận al-Nusra cùng bất cứ tổ chức khủng bố nào bị Hội đồng Bảo an chỉ định”.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và
Đặc sứ LHQ Staffan de Mistura tại cuộc họp báo ở Munich.
|
Ông Kerry cho biết Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria (ISSG) gồm 17 quốc gia đã nhất trí một nhóm chuyên trách do Mỹ và Nga đồng chủ trì sẽ làm việc để “xác định những phương thức giảm thiểu bạo lực trong dài hạn”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dè dặt lưu ý rằng cuộc họp của ISSG chỉ đưa tới cam kết trên giấy, thử thách thực sự sẽ là liệu tất cả các bên có tôn trọng cam kết hay không.
ISSG cũng đồng ý "tăng tốc và mở rộng" việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo, bắt đầu với những khu vực trọng yếu gặp nhiều khó khăn và sau đó mở rộng ra khắp nước.
Một nhóm chuyên trách của Liên Hiệp Quốc sẽ giám sát việc cung cấp viện trợ bắt đầu với một cuộc họp ở Geneva và báo cáo về tiến độ hàng tuần.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng tình hình nhân đạo ở Syria đang xấu đi và cần phải có nỗ lực tập thể để ngăn chặn. Ông Lavrov nói thêm: “Có được thỏa thuận này, lực lượng đặc nhiệm sẽ xác định những khu vực bị Daesh và al-Nusra chiếm đóng. Chúng ta đã đạt được một bước thực tế rất quan trọng hướng đi theo hướng này. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng…văn kiện mà chúng ta phê chuẩn hôm nay (11/2) ghi rõ sự cần thiết phải hợp tác và phối hợp không những về các vấn đề chính trị và nhân đạo mà cả về quân sự nữa”.
Những lỗ hổng trong thỏa thuận đình chiến
Nhiều nhà quan sát chỉ ra một số lỗ hổng trong thỏa thuận đạt được hôm thứ 11/2 ở Munich, một thỏa thuận mà họ nói có thể cho phép lực lượng Assad, với sự giúp đỡ của Nga, tiếp tục cuộc tấn công vào các khu vực của phe nổi dậy.
Một ví dụ là thỏa thuận này không tạo điều kiện cho bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào trong cuộc chiến của chính phủ Syria chống lại những các nhóm khủng bố bao gồm Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra.
Nhưng chính phủ Assad xem tất cả những chiến binh đối lập - cả ôn hòa lẫn cực đoan - đều là những kẻ khủng bố và Nga vẫn tiếp tục ném bom những nơi mà họ nói là mục tiêu khủng bố, cho phép lực lượng Assad đạt được bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây quanh Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria.
Trong một cuộc phỏng vấn công bố hôm 12/2, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói với hãng thông tấn Pháp AFP rằng lực lượng của ông ta dự định "tái chiếm toàn bộ đất nước”, làm dấy lên những nghi ngờ về cam kết của các bên nhằm chấm dứt cuộc xung đột Syria đã kéo dài gần 5 năm. Tổng thống Syria cho biết ông ủng hộ những nỗ lực hòa bình, nhưng cảnh báo rằng những cuộc đàm phán "không có nghĩa là chúng tôi ngừng chiến đấu chống khủng bố”.
Bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria
Một số nhà ngoại giao Châu Âu nói với VOA rằng ngừng bắn kéo dài vài tuần sẽ cho phép quân đội chính phủ Syria và Nga hoàn thành chiến dịch của họ tái chiếm Aleppo và khiến thêm nhiều người tị nạn tháo chạy về phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Giành lại quyền kiểm soát Aleppo, nơi mà phần lớn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân kể từ giữa năm 2012, sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực đè bẹp các đối thủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
"Việc này hoàn toàn nằm trong toan tính của Điện Kremlin”, một nhà ngoại giao cao cấp của Liên minh Châu Âu nói. Ông so sánh lập trường đàm phán của Nga về Syria với cách thức Moscow xử lý cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và lực lượng dân quân ly khai thân Nga ở Ukraine.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với VOA rằng Nga có thể tham gia thỏa thuận ngừng bắn vì cuộc tiến công quân sự của họ nhắm vào Aleppo giờ đã hoàn tất. "Bây giờ họ có thể tập trung vào việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo - Idlib," quan chức Thổ Nhĩ Kỳ này nói.
Đàm phán ở Geneva
Ông Kerry cho biết chấm dứt "bạo lực và đổ máu là điều thiết yếu," nhưng cuối cùng cần phải có một kế hoạch hòa bình.
Hướng tới mục tiêu đó, ông cho biết ISSG nhất trí kêu gọi nối lại những cuộc đàm phán ở Geneva sớm nhất có thể. Ông cho biết ISSG "cam kết thực hiện mọi biện pháp có thể để tạo điều kiện cho những cuộc đàm phán”.
Đặc sứ LHQ Staffan de Mistura dự định nối lại các cuộc hòa đàm vào ngày 25/2, sau khi đình chỉ các cuộc thảo luận ở Geneva cách đây một tuần.
Phe đối lập Syria không trực tiếp hoan nghênh thỏa thuận này nhưng xem đây là một bước tiến về phía trước. Đại diện phe đối lập hôm 12/2 cho biết họ chuẩn bị tái gia nhập các cuộc đàm phán hòa bình nếu một số phần của thỏa thuận được thực hiện vào tuần sau.
Các cuộc hội đàm sẽ bao gồm các thành viên chính phủ ở Damascus và các nhóm đối lập chính trong cuộc nội chiến, nhưng sẽ không họp trực tiếp với nhau.