Tờ The Wall Street Journal (WSJ) đã nhận định như trên, dựa theo ý kiến của các nhà ngoại giao Arập, Israel và Mỹ.
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hội đàm với Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh đang ở thăm Moscow. |
WSJ viết: "Việc
Nga tăng cường hoạt động quân sự tại Syria đã gây ra chia rẽ trong đội ngũ các đồng minh của Washington ở Trung Đông. Một số quốc gia bắt đầu nhận thức rằng cần phải làm việc cùng với điện Kremlin vốn đang hỗ trợ chế độ Bashar al-Assad”.
Theo quan điểm của WSJ, xu thế này làm phức tạp thêm tình hình ngoại giao vốn là không dễ dàng: các đối tác chủ chốt của Mỹ đang giữ lập trường khác hẳn nhau vào thời điểm hết sức quan trọng.
Hôm 11/2, các đại diện của Mỹ, Nga và một số nước khác đã gặp gỡ ở Munich để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn và cách giải quyết cuộc xung đột Syria kéo dài gần 5 năm qua.
Các quốc gia đã hỗ trợ nhiều nhất cho cuộc nổi dậy chống Bashar al-Assad - đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Qatar - kêu gọi phe đối lập Syria không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán và tiếp tục chiến đấu.
Tuy nhiên, các nước khác như Ai Cập, Jordan và UAE lại sẵn sàng thừa nhận vai trò của Nga ở Syria và sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ hơn với điện Kremlin trong vấn đề này.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố: "Theo kết quả các cuộc thảo luận với Moscow, chúng tôi đã thấy được rằng nhiệm vụ chính của Nga là đấu tranh chống các tổ chức khủng bố. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm diệt trừ các nhóm khủng bố ở Syria".
"Chúng ta phải cùng nhau hành động, phải vượt qua những khác biệt trong khu vực", Thái tử Abu Dhabi UAE Mohammed Al Nahyan đã tuyên bố như vậy sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tuần trước.
Jordan đã thành lập tại thủ đô Amman một trung tâm đặc biệt để điều phối các hoạt động quân sự ở Syria với Nga.
Ngoài ra, Israel duy trì liên lạc thường xuyên với Nga để thảo luận về các hành động ở Syria.
Một số nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng ngày càng có nhiều đồng minh của Mỹ đang ngả về phía Nga, bởi vì họ thất vọng về lập trường của chính quyền Obama trong cuộc xung đột Syria.
Nhà phân tích Faysal Itani - thành viên thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương – nói: "Nhiều nước ở khu vực Trung Đông bày tỏ quan điểm rằng, trong bốn năm qua, Mỹ đã gây ra sự hỗn loạn tại Syria hoặc Mỹ vẫn không làm được gì”. Ông nói thêm, các nước này tin rằng, Nga đang hành động hữu hiệu trong tình huống hiện nay.
Năm ngoái, nhiều nước Ả rập đã tin rằng, chế độ Bashar al-Assad không thể đứng vững được sau khi lực lượng của phe đối lập phát động một cuộc tấn công ở tỉnh Latakia. Các nhóm phiến quân đã có kế hoạch cắt đứt tuyến đường huyết mạch nối liền Damascus với khu vực ven Địa Trung Hải và sau đó họ có thể "bóp nghẹt" chính phủ Syria.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, quân đội Syria - với sự hỗ trợ của không quân Nga – đã giải phóng hầu hết tỉnh Latakia và xua đuổi các nhóm phiến quân đến tận sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.