Thổ Nhĩ Kỳ “nhắm mắt làm ngơ” trước hiểm họa IS?

Google News

(Kiến Thức) - Thổ Nhĩ Kỳ đã “nhắm mắt làm ngơ” trước hiểm họa IS. Liệu Ankara có thức tỉnh sau ba vụ đánh bom có liên quan đến khủng bố Nhà nước Hồi giáo?

Thổ Nhĩ Kỳ vốn theo đuổi chính sách cho phép các chiến binh thánh chiến tự do đi qua lãnh thổ nước này vào Syria, trong một nỗ lực đẩy nhanh sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad mà quên đi hiểm họa IS.
Tho Nhi Ky “nham mat lam ngo” hiem hoa IS?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang "nuôi ong tay áo"?
Thổ Nhĩ Kỳ đang gánh chịu hậu quả
Hiện thời, Thổ Nhĩ Kỳ gánh chịu hậu quả của chính sách này, khi cuộc xung đột đẫm máu đã  khiến cho hơn 2 triệu người tị nạn Syria đang tràn qua  biên giới.
Nhiều phần tử thánh chiến tự do đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập Mặt trận al-Nusra liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda hoặc nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các nhóm này sẵn sàng tấn công đối thủ ở mọi nơi, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích cho rằng Ankara đã quá “nhẹ tay” với Nhà nước Hồi giáo IS, trong khi lại rất “nặng tay” trong việc trấn áp các chiến binh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK)  ở  trong nước và ở miền bắc Iraq . Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi  PKK là một mối đe dọa chiến lược. Thế nhưng, Nhà nước Hồi giáo  IS đã chứng tỏ là một “hiểm họa” đối với Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành mối đe dọa thực sự đối với an ninh của nước này.
Nhà báo Mustafa Akyol của Hurriyet Daily News ở Istanbul  nhận định: "Ankara đang  thức tỉnh  rất muộn màng trước sự đe dọa của đám chiến binh thánh chiến Salafi cực đoan bên trong Thổ Nhĩ Kỳ".
Cuộc đánh bom tự sát ngày 10/10  ở trung tâm thủ đô Ankara, làm chết hơn 100 người tham gia một cuộc biểu tình hòa bình là ví dụ mạnh nhất cho thấy chiến tranh Syria đang đụng chạm đến công dân Thổ Nhĩ Kỳ và chính trường nước này.
Nhưng vụ đánh bom ở Ankara chỉ vụ mới nhất trong ba vụ đánh bom khủng bố kể thừ tháng 6/2015 do công dân Thổ Nhĩ Kỳ cực đoan liên kết với IS thực hiện và mục tiêu của chúng là các nhóm ủng hộ người Kurd. Đây chính là một cuộc chiến mở rộng sang đất Thổ Nhĩ Kỳ giữa các chiến binh người Kurd với phiến quân IS ở miền bắc Syria và Iraq.
Mượn cớ chống IS để không kích người Kurd và lật đổ chế độ Assad
Sau vụ đánh bom khủng bố  giết chết 33 người ở thị trấn biên giới của Suruç hồi tháng Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ mới đồng ý cho phép máy bay Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik tấn công IS ở Syria, bắt đầu vào giữa tháng Tám. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kiểm soát chặt các cửa khẩu biên giới và bắt giữ một số  chiến binh nước ngoài trên đường đến Syria.
Nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thực hiện một vài vụ không kích các vị trí IS, trong khi tiến hành hàng trăm phi vụ ném bom ở miền bắc Iraq và  giết chết 2.000 dân quân người Kurd.  Đáp lại, các chiến binh PKK cũng tăng cường các cuộc tấn công  làm thiệt mạng nhiều cảnh sát và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhà báo Akyol, cho đến nay, Ankara vẫn cho rằng PKK chính là “mối đe dọa chiến lược lâu dài”, chứ không phải nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.   Ông lý giải: "Có bao nhiêu người ủng hộ IS ở Thổ Nhĩ Kỳ? Một vài trăm hay có thể một vài ngàn? Nhà nước Hồi giáo không phải là một phong trào quần chúng và có lẽ Ankara nghĩ rằng ... Mỹ sẽ ném bom và IS sẽ biến mất. Trong khi đó,  PKK - với hàng triệu người ủng hộ -  là một cái gì đó thực sự đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai. Đó là lý do tại sao họ (Ankara) đặt tất cả sự chú ý vào PKK”.
Nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ Fadi Hakura làm việc cho Chatham House ở London cho rằng hiệu ứng lan tỏa của cuộc chiến Syria cũng là một kết quả của việc tính toán sai lầm và nỗi ám ảnh về việc lật đổ Tổng thống Assad của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi cuộc nổi dậy Syria bắt đầu vào đầu năm 2011, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ - trong đó có Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan – cho rằng Tổng thống Syria sẽ bị lật đổ một cách nhanh chóng, tương tự như việc loại bỏ Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập.
Chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung quá nhiều vào việc thay đổi chế độ ở Damascus, trong khi phớt lờ hiểm họa Nhà nước Hồi giáo IS và al-Qaeda.
Nhà phân tích Hakura nói: "Có một điều khá rõ ràng là khi nội chiến Syria kéo dài và chế độ ở Damascus đã chứng minh được khả năng phục hồi của nó, Thổ Nhĩ Kỳ đành phải nhập cuộc và sự lan tỏa của bạo lực là không thể tránh khỏi".
Liệu IS có thay đổi mục tiêu tấn công?
Về khả năng này, nhà phân tích Hakura cho biết “tần số của các cuộc tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng, mức độ bạo lực cũng được nhân lên gấp bội” và xu hướng IS thay đổi mục tiêu tấn công “rõ ràng đang tồn tại".
Theo nhà phân tích Hakura các vụ đánh bom khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm thay đổi kết quả của cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào ngày 1/11/2015 và đảng ủng hộ người Kurd có khả năng bảo vệ được thành quả  13% tổng số phiếu bầu để có chân trong quốc hội và một lần nữa, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan lại không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ như trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 6/2015.
Cho đến nay,  IS đã không tiến hành tấn công bất kỳ mục tiêu của  nhà nước hoặc đảng cầm quyền AKP nào ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà tập trung vào "băng đảng vô thần" là người Kurd thế tục.
Nhưng nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo cũng có những từ ngữ mạnh mẽ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Ankara từng dung dưỡng IS trong nhiều năm liền.
Nhà báo Akyol nói phiến quân IS "không ủng hộ AKP” và buộc tội Erdogan  là “một con rối của phương Tây,  một kẻ đạo đức giả hoặc vô đạo”. Ông nói: "Phiến quân IS đã đặc biệt tức giận trước việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa căn cứ Incirlik cho  Mỹ sử dụng. Đối với IS, điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập hàng ngũ của đội quân Thập tự chinh ở Trung Đông”.
Minh Châu (Theo CSMonitor)

Bình luận(0)