Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tay cho IS buôn lậu dầu lửa?

Google News

(Kiến Thức) - Bất chấp việc Ankara cực lực chối bỏ, các chuyên gia nói rằng tuyến đường buôn lậu dầu lửa  IS  gần như chắc chắn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 2/12, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Antonov nói ở Moscow:  "Thổ Nhĩ Kỳ là người mua chính dầu lửa mà Nhà nước Hồi giáo đã đánh cắp ở Syria và Iraq. Theo thông tin có sẵn, các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước, Tổng thống Erdogan và gia đình của ông cũng tham gia (buôn lậu dầu lửa)".
Tho Nhi Ky co tiep tay cho IS buon lau dau lua?
Đoàn xe chở dầu lửa buôn lậu từ các vùng lãnh thổ mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đóng ở Iraq và Syria.
Cáo buộc trên được đưa ra, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị biến đổi khí hậu ở Paris cho biết Nga đã có thông tin về việc dầu lửa từ các vùng lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cực lực phản đối cáo buộc buôn lậu dầu lửa IS và tuyên bố: "Nếu điều này được chứng minh, sự cao quý của dân tộc ta sẽ đòi hỏi  tôi sẽ không ở lại nhiệm sở”.
Quân đội Mỹ cũng bênh vực ông Erdogan, khi phát ngôn viên quân Lầu Năm Góc Steven Warren ngày 2/12 nói: “Đó là điều lố bịch. Chúng tôi thẳng thừng bác bỏ bất kỳ quan điểm nào cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nào đó làm việc với Nhà nước Hồi giáo”.
Những báo cáo trước đây về buôn lậu dầu lửa
Từ lâu,  đã có báo cáo về việc  dầu lửa từ khu vực do IS kiểm soát ở  Iraq và Syria được vận chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vào đầu tháng 6/2014, nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Ediboglu của đảng đối lập CHP cho biết một khối lượng dầu lửa trị giá hơn  800 triệu USD từ các vùng lãnh thổ  do IS kiểm soát đã được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ediboglu, một nghị sĩ đến từ tỉnh Hatay tiếp giáp với Syria, cho biết một tuyến đường ống mới được xây dựng dành cho việc vận chuyển dầu.
Vào tháng Tám năm đó, báo Thổ Nhĩ Kỳ TARAF cũng đưa tin: "Mỗi ngày, có đến 1.500 tấn dầu diesel được tuồn lậu qua biên giới, chiếm  3,5%  tiêu thụ dầu hàng ngày của Thổ Nhĩ Kỳ".
Giá thấp hơn mở ra thị trường
Hồi mùa xuân năm nay, hai nhà nhà khoa học George Kiourktsoglou và Alec D. Coutroubis  của Đại học Greenwich của Anh công bố một nghiên cứu về buôn lậu dầu lửa. Họ phát hiện ra rằng IS đã sản xuất 45.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 2/2015. Điều này đã mang lại cho IS 3 triệu USD mỗi ngày. Dầu của IS rẻ hơn nhiều so với mặt bằng giá dầu thế giới. Nếu giá dầu thô giao dịch hợp pháp (vào thời điểm đó) dao động  giữa 80 và 100 USD mỗi thùng, thì dầu thô của IS được bán với giá  25 đến 60 USD. Với giá rẻ mạt này, dầu lửa IS đã chiếm được thị phần trong giao dịch dầu thô thế giới.
Hai tác giả George Kiourktsoglou và Alec D. Coutroubis  đã nghiên cứu kỹ  giá thuê tàu chở dầu tại cảng Ceyhan ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và nhận thấy một mối tương quan rõ rệt giữa các hoạt động quân sự của IS và giá cước vận chuyển dầu ở Ceyhan.
Hai nhà khoa học nói trên viết: "Dường như bất cứ khi nào Nhà nước Hồi giáo  chiến đấu trong vùng lân cận của một khu vực có dầu lửa, xuất khẩu dầu từ Ceyhan tăng vọt một cách tương ứng”.  Điều này đã được chứng minh bằng cách sử dụng dữ liệu trong khoảng thời gian từ tháng 7  đến tháng 10/2014 và từ tháng 10/2014 đến tháng  2/2015.
Tuy nhiên, Kiourktsoglou và Coutroubis  không khẳng định việc các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào việc buôn lậu dầu lửa IS.
Chống buôn lậu dầu IS gặp rủi ro chính trị
Nhưng dữ liệu mà hai nhà khoa học Kiourktsoglou và Coutroubis thu thập được có thể cho thấy lý do vì  sao  liên minh quốc tế chống IS đã rất do dự trong cuộc chiến chống buôn lậu. Sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015, liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu đã tiêu diệt khoảng 1/3 trong tổng số 900 xe chuyên chở dầu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.  Nhưng trước đó, IS đã dễ dàng vận chuyển dầu đến người nhận.
Vì sao mà liên minh chống IS lại tỏ ra do dự?
Câu trả lời là có quá nhiều người được hưởng lợi từ việc buôn lậu dầu lửa mà IS cướp được ở Iraq và Syria. IS chia sẻ chiến lợi phẩm cũng việc kinh doanh buôn lậu  với những người sống trong các khu vực mà họ kiểm soát. Trong khu vực giàu dầu mỏ, IS cho phép họ khoan dầu và buôn lậu dầu ở nước ngoài. Nếu một chiếc xe vận chuyển 30.000 lít dầu thô đến được địa điểm giao hàng, các nhà khai thác sẽ được thưởng gần 3.800 euro (hơn 4.000 USD) cho mỗi chuyến xe.
Đây là những gì đã khiến cho liên minh chống IS chưa cắt đứt các tuyến đường buôn lậu. Liên minh này sợ rằng nếu tấn công vào những nguồn sinh kế, họ  có thể đẩy nhiều người vào “vòng tay” của IS.  Liên minh chống IS không muốn biến những người hưởng lợi  từ việc buôn lậu dầu lửa thành kẻ thù của mình.
Mặc dù Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về việc gia đình Tổng thống Erdogan tham gia vào việc buôn lậu dầu IS, nhưng có một điều chắc chắn là  các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ là không nỗ lực ngăn chặn việc buôn bán dầu lửa bất hợp pháp, theo ông Jan Techau - giám đốc của Viện Carnegie Châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Deutschlandfunk (Đức) , ông Jan Techau nói:  "Có một chút sự thật là... Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ  trong một thời gian rất, rất dài. Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc rất thiếu trách nhiệm".
Sau vụ tấn công khủng bố vào Paris, liên minh quốc tế đã tăng cường nhắm mục tiêu các đội xe chở dầu của  IS. Nhưng điều này cũng dấn đến những rủi ro chính trị vì việc hủy diệt của các xe chở dầu có thể  khiến cho đội ngũ những kẻ cảm tình với IS trở nên đông đảo hơn, không chỉ ở Iraq và Syria.
Liên minh chống  IS do Mỹ cầm đầu cho rằng thiệt hại về tài chính của IS ít có ý nghĩa, nếu nhóm khủng bố này giành được nhiều cảm tình viên  trong số những đối tượng vốn hưởng lợi từ việc buôn lậu dầu lửa.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)

Bình luận(0)