Người Kurd Syria: “Cơn ác mộng” đối với Tổng thống Erdogan?

Google News

(Kiến Thức) - Giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trấn áp các sắc tộc thiểu số, người Kurd Syria có thể trở thành “cơn ác mộng” tồi tệ nhất đối với Tổng thống Erdogan.

Cuối tuần qua, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ đỡ đầu đã bắt đầu tấn công Mặt trận al-Nusra và Quân đội Syria Tự do (FSA) được Mỹ hậu thuẫn.
Nguoi Kurd Syria: “Con ac mong” doi voi Tong thong Erdogan?
Các chiến binh người Kurd vốn là nỗi lo tâm can của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Hiện vẫn chưa rõ việc SDF tấn công Mặt trận al-Nusra/FSA có phối hợp với chiến dịch không kích của Nga ở phía bắc Aleppo hay không, nhưng sự hùng mạnh của người Kurd ở Syria quả là cơn ác mộng đối với Tổng thống Erdogan.
Người Kurd Syria ngỏ ý muốn hợp tác với Nga
Ngày 25/11, một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ  bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga, đồng chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Syria (PYD) Salih Muslim nói với đài Sputnik rằng PYD tìm cách hợp tác với Nga. Hiện thời, Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) - cánh vũ trang của PYD -  cho là nòng cốt của tổ chức vũ trang Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Ông Salih Muslim nói: "Cho đến nay chúng tôi chưa có cơ hội để hợp tác tích cực với Nga, nhưng chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu có một cơ hội như vậy. Nga chưa tiếp cận nhiều khu vực của chúng tôi vì đang hoạt động ở miền tây Syria. Tôi tin rằng trong tương lai chúng tôi có thể thiết lập các cuộc đối thoại về hợp tác quân sự với phía Nga”.
Ngày 26/11, Tổng thống Vladimir Putin nói với Tổng thống Pháp Francois Hollande rằng Nga sẵn sàng để làm việc với liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu, mặc dù ông nói rõ liệu sự hợp tác ấy có bao gồm cả người Kurd Syria và  SDF hay không.
Giao tranh giữa Mặt trận al-Nusra/FSA và  SDF đã nổ ra ở ngoại ô Aleppo cuối tuần qua, sau khi Mặt trận al-Nusra tuyên bố khu vực này là một "vùng chiến sự", phá vỡ một thỏa thuận trung lập được ký kết từ trước.
"Trưa ngày 26/11, các nhóm khủng bố có liên quan đến Mặt trận Al-Nusra Front đã dùng vũ khí hạng nặng tấn công khu vực Sheikh Maqsoud ở Aleppo. Các đơn vị của YPG đã phản công mạnh mẽ và đẩy lùi những kẻ khủng bố”,  YPG cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang Facebook chính thức.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) là một nhóm vũ trang được Mỹ hậu thuẫn, bao gồm các chiến binh người Kurd và Ả-rập ở Syria. Tiền thân của SDF là một nhóm liên kết giữa YPG và FSA (mang tên Núi lửa Euphrates) từng ca ngợi các cuộc không kích của Nga và yêu cầu cung cấp vũ khí để chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
YPG được cho  là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Abdullah Ocalan, đang bị bỏ tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là nhà lãnh đạo tư tưởng của PKK.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ngày 24/11, YPG cảnh báo sẽ bắn hạ tất cả các máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát ở Syria.
Bạo loạn bùng phát gần biên giới Syria
Cũng trong khoảng thời gian đó, các lực lượng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu phát động các cuộc tấn công vào binh sĩ và cảnh sát đóng quân dọc biên giới với Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân và xe tăng áp sát biên giới Syria, trong khi ráo riết trấn áp người  Kurd thiểu số ở trong nước.
Máy bay trực thăng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn phá nhiều khu vực của người Kurd sát biên giới Syria, trong khi quân đội nước này tuyên bố lệnh giới nghiêm tại các khu vực khác, theo Reuters.
Bạo loạn bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ sau  vụ giết hại nhà hoạt động người Kurd tiếng Tahir Elci, một vụ mà  đảng HDP ủng hộ người Kurd gọi là một "vụ ám sát đã được lên kế hoạch từ trước”. Trước khi bị ám sát, nhà hoạt động Elci đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đưa Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ra khỏi danh sách "khủng bố".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bỏ tù  các phóng viên của tờ báo đối lập Cumhuriyet vì cái tội...tiết lộ việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao vũ khí cho phiến quân ở Syria hồi tháng 5/2015.
Nga vẫn còn do dự
Mặc dù có nhiều lời kêu gọi ở Nga về việc ủng hộ người Kurd chống Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow vẫn còn do dự vì đây là một vấn đề khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách. Chính phủ Nga không mấy quan tâm đến các phong trào của người Kurd vốn đôi khi trái ngược với lợi ích của Moscow.
PYD và lực lượng dân quân YPG vẫn duy trì lập trường trung lập nhưng xa lánh với chính phủ Syria. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc ép Tổng thống Syria hợp tác với  các nhóm người Kurd và ông Assad cũng đã phản ứng "tích cực", nhưng bất đồng vẫn tồn tại và dường như không được giải quyết, nếu không có cuộc đàm phán hòa bình toàn diện giữa các bên ở Syria. Đồng thời, việc đi đến thỏa thuận vội vàng mà không xác định thời hạn có thể gây khó khăn cho cả hai bên.
Nga gần đây nói rằng sẽ tìm mọi cách đóng cửa biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để chặn đường cung cấp vũ khí cho Mặt trận al-Nusra/FSA và phiến quân IS.
Trong khi đó, SDF tìm cách tiến về phía nam theo hướng Raqqa và tìm cách cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho IS từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sự xuất hiện của 50 lính đặc nhiệm Mỹ ở thị trấn Kobane (Ayn al-Arab) dường như  phục vụ mục đích đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, điều mà Washington cũng yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận, cuộc xung đột ở Syria có nguy cơ trở thành  cuộc xung đột 5 bên – bao gồm quân chính phủ, người Kurd, Mỹ, phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và phiến quân IS. Đáng nói là tất cả các bên có quyền lợi mâu thuẫn hoặc cạnh tranh với nhau.
Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)