Trong chương trình “Loud & Clear” của đài Sputnik, cựu nhân viên CIA John Kiriakou đã đàm đạo với nghị sĩ Cộng hòa Walter Jones , người từng phục vụ liên tục từ năm 1994. Theo nghị sĩ Walter Jones, Tổng thống John F. Kennedy (JFK) muốn mang lại “giấc mơ Mỹ”, nhưng kết thúc bằng cơn ác mộng.
|
Tổng thống John F. Kennedy ngay trước khi bị ám sát ở thành phố Dallas. Ảnh: Dallas Morning News |
Trả lời câu hỏi thế lực nào trong chính quyền Mỹ phản đối việc giải mật những hồ sơ còn lại trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, nghị sĩ Jones cho biết: "Tôi nghĩ rằng chủ yếu là các cơ quan như CIA. Năm mươi bốn năm sau, nếu họ sợ sự thật, thì có lẽ họ không nên ở vị trí mà họ đang nắm giữ. Người Mỹ có quyền biết sự thật. Đây là một trong những bi kịch lớn như vụ Trân Châu Cảng và vụ tấn công khủng bố ngày 9/11. Vụ ám sát John Kennedy đã làm thay đổi đường lối quốc gia. Bất cứ ai không muốn người Mỹ biết sự thật, thì họ có cái gì đó để che giấu”.
Về lưu ý của phóng viên Kiriakou rằng "có cựu quan chức của CIA cho rằng Tổng thống (Donald Trump) vẫn nên cân nhắc giữ lại một số thông tin bởi vì nó có thể chứa tên của các sĩ quan CIA vẫn còn sống hoặc đã rời khỏi cơ quan trở lại làm nhà thầu", nghị sĩ Jones nói: “Tôi nghĩ điều này thật lố bịch. Hầu hết những người mà ông vừa mô tả đang ở độ tuổi 70 và 80. Hầu hết trong số họ đã nghỉ hưu, phần lớn trong số họ đang ở trong các nhà dưỡng lão… Người Mỹ phải biết sự thật”.
Nghị sĩ Jones khen ngợi Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố ý định công bố tất cả các tài liệu mật còn lại trước công chúng vào ngày hôm nay (26/10): “Nếu ông Trump làm điều này cho người Mỹ, ông ấy sẽ là một người hùng trong con mắt đa số người dân vì nó liên quan đến vụ ám sát Kennedy”.
Theo John Kiriakou – một cựu nhân viên CIA, vẫn có những câu hỏi chưa được trả lời về vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ cần phải biết rõ nhiều điều ví dụ như Lee Harvey Oswald đã làm gì ở thành phố Mexico. Lee Harvey Oswald đã làm gì trong hai năm tại Minsk? Ông ta có quan hệ gì với KGB? Và FBI nói gì về Lee Harvey Oswald?”
Ông Kiriakou đặt câu hỏi về vai trò của James Angleton, Trưởng bộ phận phản gián của CIA từ năm 1954 đến năm 1975, người đã phỏng vấn sĩ quan KGB đào tẩu Yuri Nosenko về cáo buộc liên quan đến Liên Xô trong vụ ám sát Kennedy. Nosenko tuyên bố rằng Oswald đã sống một thời gian ở Liên Xô và đã được KGB theo dõi trong thời gian đó.
Nghị sĩ Walter Jones cho biết: "Tôi luôn tự hỏi vì sao Lee Harvey Oswald có thể đi du lịch nhiều như vậy. Người ta không đi du lịch miễn phí và việc đi lại là rất tốn kém. Bất kỳ thông tin nào giải thích mối quan hệ với các thế lực bên ngoài đều rất quan trọng đối với người Mỹ ".