Đó là nhận định của nhà phân tích địa chính trị Brahma Chellaney, tác giả của 9 cuốn sách và là cộng tác viên lâu năm của The Japan Times.
|
Khu vực xảy ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: YouTube |
Cuộc khủng hoảng Trung Quốc-Ấn Độ hiện nay đã làm nổi bật cách Bắc Kinh kết hợp chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý… nhằm làm suy yếu khả năng kiểm soát thông tin của đối phương.
Thực tế, Bắc Kinh đã triệt để khai thác tình trạng chia rẽ chính trị ở Ấn Độ, lôi kéo các đối thủ của Thủ tướng Narendra Modi và chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc Hindu" để gieo rắc bất đồng.
Bắc Kinh cũng đang sử dụng các phương tiện truyền thông để đe doạ một cuộc "đối đầu toàn diện" dọc theo biên giới Trung-Ấn dài hơn 4.000 km và cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ phải chịu thất bại nhục nhã hơn cuộc chiến năm 1962.
Nếu nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ bị suy yếu về an ninh quốc gia và có khả năng bị phụ thuộc chiến lược dài hạn vào Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có thể gây ra mối đe dọa quân sự mạnh hơn chống lại các vùng lãnh thổ đông bắc Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng đã được kích hoạt vào giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc (PLA) tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng việc xây dựng tuyến đường cao tốc chiến lược đi qua cao nguyên Doklam của Bhutan nằm gần tam giác biên giới Tây Tạng-Bhutan-Sikkim. Sự lấn chiếm của Trung Quốc đã buộc quân đội Ấn Độ nhanh chóng can thiệp và ngăn chặn việc xây dựng tuyến đường cao tốc nói trên, dẫn đến căng thẳng leo thang giữa hai nước.
Trong nhiều năm qua, quân đội Trung Quốc đã lặng lẽ lấn chiếm nhiều khu vực chiến lược ở phía bắc và phía tây Bhutan. Phía Trung Quốc đã đưa các dân du mục Tây Tạng đến chăn thả ở cao nguyên Doklam và tuần tra vũ trang ở đó. Trung Quốc cũng đã biến các lối mòn tự nhiên thành những con đường. Từ lâu, Bhutan đã khiếu nại về những vụ lấn chiếm lãnh thổ nói trên của Trung Quốc.
Với 8.000 binh sĩ trong quân đội và cảnh sát, Bhutan không có cách nào để chống lại sự lấn chiếm của Trung Quốc. Trên cương vị đối tác an ninh, Ấn Độ chỉ đào tạo và tư vấn cho các lực lượng Bhutan. Tuy nhiên, vụ chiếm đất mới nhất của Trung Quốc lại đe dọa an ninh của Ấn Độ và New Delhi coi việc bảo vệ lãnh thổ Bhutan cũng là nhiệm vụ của Ấn Độ. Về phần mình, Trung Quốc chỉ dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối ngoại giao của Bhutan về việc xây dựng tuyến đường cao tốc đi qua cao nguyên Doklam, nhưng chưa tính đến sự can thiệp quân sự nhanh chóng của Ấn Độ.
New Delhi không thể cho phép Bắc Kinh giành quyền kiểm soát cao nguyên Doklam vì nó sẽ dẫn đến việc Trung Quốc củng cố các căn cứ quân sự ở vùng đất mới chiếm đóng và đặt hành lang liên kết với vùng đông bắc Ấn Độ trong tầm đạn pháo Trung Quốc. Liên kết này - Hành lang Siliguri - chỉ rộng 27 km ở điểm hẹp nhất. Nếu xây dựng xong tuyến đường cao tốc đi qua cao nguyên Doklam, Trung Quốc sẽ có thể vận chuyển xe tăng hạng nặng tới khu vực. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có thể cắt đứt Ấn Độ với khu vực đông bắc nước này.
Nguy cơ Trung Quốc có thể leo thang chiến tranh tâm lý thành một cuộc xung đột quân sự là không thể loại trừ. Thật vậy, Bắc Kinh đang cảnh báo rằng Ấn Độ không được phép "can thiệp" vào quan hệ ngoại giao hoặc an ninh quốc gia của Bhutan, mặc dù quan hệ Ấn Độ-Bhutan được điều chỉnh bởi hiệp định hữu nghị và quốc phòng. Trung Quốc muốn Ấn Độ để mặc Bhutan tự lo liệu cho số phận của mình.