Điểm sáng đối nội
Điểm sáng nổi bật nhất về đối nội chính là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Vào thời điểm ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ, nước Mỹ đứng đầu thế giới cả về tỉ lệ nhiễm mới, số người nhập viện và số ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đề ra hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, trong đó có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực thuộc quyền kiểm soát của chính phủ liên bang, bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, duy trì giãn cách xã hội, đẩy mạnh xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.
|
Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: New York Times. |
Nhìn chung, các biện pháp chống dịch mà chính phủ Mỹ đưa ra đã và đang nhận được sự đồng thuận và hợp tác từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và các địa phương. Nhưng thành tựu nổi bật nhất của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 chính là triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn. Hàng chục trung tâm tiêm chủng đại trà đã được thiết lập trên khắp các vùng miền cả nước, với sự hỗ trợ của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Sự hợp tác giữa chính phủ liên bang với hệ thống nhà thuốc cũng đã mang đến thành quả là vaccine ngừa Covid-19 hiện có ở hơn 40.000 hiệu thuốc của các chuỗi cung ứng CVS, Walgreen. Từ ngày 19/4, tất cả người Mỹ từ 16 tuổi trở lên sống trong phạm vi 8km có thể đến một điểm tiêm chủng để được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoàn toàn miễn phí. Điều đó lý giải tại sao vào ngày thứ 92 ông Biden lên nắm quyền, 200 triệu liều vaccine đã được sử dụng, chứ không dừng lại ở mục tiêu tiêm 100 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên.
Sự kết hợp giữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ và chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn đã góp phần làm giảm đáng kể số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và số người tử vong vì Covid-19 mỗi ngày. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Washington Post/ABC News tiến hành và công bố ngày 25/4, cho thấy 64% người được hỏi tán thành công việc mà Tổng thống Biden thực hiện cho đến nay về quản lý đại dịch và triển khai vaccine ở Mỹ.
Vào đúng ngày thứ 50 sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã giành được thắng lợi lập pháp đầu tiên sau khi lưỡng viện Quốc hội thông qua gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ, trị giá 1.900 tỷ USD. Đạo luật bao gồm khoản hỗ trợ trực tiếp cho hầu hết người Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở cửa lại hệ thống trường học công và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang nỗ lực vận động Quốc hội thông qua dự luật phát triển cơ sở hạ tầng lên tới 2.300 tỷ USD nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Hiện có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Mỹ tăng 6,4% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022, và gói cứu trợ Covid-19 được cho là góp phần nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden cũng đã thực thi một loạt biện pháp nhằm đảo ngược chính sách di trú của chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Biden đã hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân sáu quốc gia có đông người Hồi giáo, công bố dự luật cải cách di trú toàn diện, đồng thời ban hành sắc lệnh chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa duy trì và tăng cường trẻ em di cư được bố mẹ đưa vào Mỹ.
Tổng thống Biden còn chỉ định Phó Tổng thống Kamala Harris đứng đầu những nỗ lực của các bộ và địa phương liên quan để đối phó với làn sóng người di cư đang đổ về khu vực biên giới phía Nam. Chính quyền Tổng thống Biden quyết định chi hàng trăm triệu USD, đang phối hợp với Chính phủ Mexico và ba nước thuộc khu vực Tam giác phía Bắc có đông người di cư đến Mỹ là Honduras, Guatemala và El Salvador để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của làn sóng người di cư tới Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực xây dựng hệ thống chính sách nhập cư nhân đạo và hiệu quả, song những biện pháp đã thực hiện đến thời điểm này lại gây ra không ít tranh cãi và có thể cần phải có thêm gian để kiểm nghiệm mức độ đúng đắn.
Phương châm “Nước Mỹ trở lại” và những thành quả ban đầu
Ngay trong ngày đầu nắm quyền, Tổng thống Biden đã đưa nước Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris. Dù không đạt được sự đồng thuận từ đồng minh Canada và ngành khai thác dầu khí của Mỹ, cũng trong ngày nắm quyền đầu tiên, ông Biden đã quyết định hủy dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa hai nước, và ngừng phát triển Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc cực. Quyết tâm tái tham gia cuộc chiến chống nóng ấm toàn cầu được thể hiện rõ nét qua việc đứng ra tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu về chống biến đổi khí hậu trong hai ngày 22-23/4. Hội nghị có sự tham gia của 40 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và định chế tài chính toàn cầu, cùng với quan chức chính phủ phụ trách môi trường và năng lượng của các nước, lãnh đạo các tập đoàn, nhà tài trợ và các nhà hoạt động môi trường. Sau gần hai ngày hội nghị, một loạt các cam kết mới và sớm hơn đã được đưa ra nhằm hiện thực hóa Hiệp định Khí hậu Paris, trong đó Mỹ tuyên bố cắt giảm từ 50%-52% lượng khí phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cho thấy nỗ lực và vai trò dẫn dắt hợp tác quốc tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện tại và trong trường hợp xảy ra các đại dịch trong tương lai. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã quyết định Mỹ tiếp tục là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nối lại định mức đóng góp hàng năm của Washington, đồng thời cam kết đóng góp hơn 4 tỷ USD cho Cơ chế COVAX do WHO đứng đầu, nhằm cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo nhất trên thế giới.
Cam kết hàn gắn các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ tại các khu vực trên thế giới, vốn bị rạn nứt và tổn hại nghiêm trọng trong bốn năm dưới chính quyền tiền nhiệm, đã và đang được đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Tổng thống Biden thúc đẩy. Ngoại trưởng Antony Blinken đã thực hiện hai chuyến công du tới châu Âu trong vòng chưa đầy một tháng. Chuyến đầu tiên là tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO và chuyến thứ hai là cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tham dự Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng NATO. Mục đích hai chuyến công du của ông Blinken là hàn gắn quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO, làm hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, thảo luận kế hoạch rút quân khỏi chiến trường Afghanistan một cách an toàn và có trách nhiệm, cũng như tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại một số điểm nóng tại châu Âu và khu vực Trung Đông. Cả Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Ngoại trưởng Blinken đã thăm Afghanistan để thảo luận kế hoạch rút quân, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với nỗ lực khôi phục hòa bình và an ninh của chính phủ và người dân nước này.
Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã tới Nhật Bản và Hàn Quốc để tham dự Đối thoại 2+2 với mỗi nước. Nội dung chính trong chương trình nghị sự là tham vấn chặt chẽ hai đồng minh chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, cũng như những căng thẳng với Trung Quốc. Sau khi rời Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã đến thăm Ấn Độ, thành viên Nhóm Bộ tứ và đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Một điểm nhấn nữa về đối ngoại là cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại bang Alaska giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên đã nhanh chóng biến thành màn “khẩu chiến” trong những phút đầu khi quan chức cấp cao hai nước xuất hiện trước ống kính máy thu hình, nhưng được cho là hòa dịu hơn khi bước vào các cuộc thảo luận kín. Kết thúc cuộc gặp, hai bên không thể đưa ra tuyên bố chung.
Đáng chú ý, trong gần 100 ngày nắm quyền, chính quyền Biden đã chứng tỏ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc liên quan tới các vấn đề dân chủ, nhân quyền tại khu vực Tân Cương và Hong Kong. Những gì đã thực thi cho đến thời điểm này cho thấy rõ phương châm chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc đó là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và trở thành đối thủ khi bắt buộc”.
Ngoài ra, dưới sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU), đại diện chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tham gia đàm phán gián tiếp với Iran và các cường quốc khác để tái gia nhập Thỏa thuận Hạt nhân Iran ký năm 2015, thường biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Tóm lại, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có một khởi đầu bận rộn nhất kể từ thời Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981. Những nỗ lực của cá nhân Tổng thống Biden và đội ngũ phụ trách chính sách an ninh quốc gia của ông đã tiếp cận, khôi phục niềm tin từ các đồng minh và đối tác ở cả châu Á và châu Âu. Theo cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và hiện là Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn chính trị toàn cầu Rasmussen, bất chấp chương trình nghị sự trong nước dày đặc, Tổng thống Biden đã đạt được những bước tiến lớn để khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Thế giới cần vai trò dẫn dắt của Mỹ để ứng phó với các thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, những phép thử lớn vẫn đang chờ đợi Chính quyền Tổng thống Biden.