Mổ xẻ đề xuất “cùng đóng băng” ở Triều Tiên của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Đề xuất “cùng đóng băng” của Trung Quốc, trong đó Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân-tên lửa đổi lấy việc đóng băng tập trận chung Mỹ-Hàn, là khó khả thi.

 Đó là nhận định của giáo sư Minxin Pei tại Đại học McKenna ở Claremont (Mỹ), trong bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 20/8/2017.
Tham y dang sau de xuat “cung dong bang” cua Trung Quoc
 Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ảnh ghép: Daily Star
Theo giáo sư Minxin Pei , khi cuộc “đấu khẩu” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở nên vô cùng nóng bỏng, những người có đầu óc tỉnh táo trên thế giới tự hỏi liệu có một giải pháp ôn hoà nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang ngày càng leo thang?
Theo quan điểm của Trung Quốc, câu trả lời là đề xuất cùng đóng băng, trong đó Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân-tên lửa để đổi lấy Mỹ-Hàn Quốc đóng băng các cuộc tập trận chung.
Thoạt nhìn, lựa chọn này - được Trung Quốc đề xuất và được Nga ủng hộ - dường như là một thỏa hiệp khả thi.
Nếu mất đi khả năng tiếp tục thử nghiệm các công nghệ hạt nhân-tên lửa, Triều Tiên sẽ “dậm chân tại chỗ” với những gì đã có. Thay vì sở hữu một kho vũ khí tầm xa đáng tin cậy, Triều Tiên sẽ chỉ có một kho tên lửa tầm xa không đáng tin cậy và không thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân lắp vào tên lửa. Đối với Washington, việc đình chỉ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc dường như là một cái giá khá nhỏ để đạt được việc Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa-hạt nhân và ít ảnh hưởng đến ưu thế quân sự áp đảo của Mỹ.
Nhưng phía Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất “cùng đóng băng” của Trung Quốc, rõ ràng là vì nó có vẻ như đánh đồng việc Triều Tiên tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt bị LHQ lên án với quyền tự vệ và bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Khi Mỹ chấp nhận giải pháp “cùng đóng băng”, đây chính là một phần thưởng cho Triều Tiên vì đã ngừng các hoạt động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoài việc tạo ra các tiền lệ nguy hiểm, giải pháp “cùng đóng băng” có hai nhược điểm cơ bản.
Thứ nhất, giải pháp này tạo ra chi phí không tương xứng. CHDCND Triều Tiên sẽ chỉ phải chịu chi phí khá nhỏ khi khởi động lại chương trình hạt nhân, trong khi Mỹ-Hàn Quốc sé bị tổn thất nghiêm trọng và không thể đảo ngược, nếu giải pháp này cuối cùng dẫn đến việc Bình Nhưỡng sở hữu một kho vũ khí hạt nhân đầy đủ.
Điều này một phần là do nhược điểm then chốt thứ hai: những khó khăn của việc xác minh. Thật dễ dàng để biết liệu Mỹ có đang tiến hành các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, nhưng sẽ rất khó để đảm bảo rằng Triều Tiên không tiếp tục các hoạt động nghiên cứu và phát triển tên lửa-hạt nhân dưới lòng đất.
Thật vậy, phần lớn quá trình nghiên cứu và phát triển tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên diễn ra ở các cơ sở bí mật mà các thanh sát viên bên ngoài không thể tiếp cận. Theo giải pháp “cùng đóng băng”, Triều Tiên có thể chỉ dừng lại các hoạt động có thể quan sát được như các cuộc thử tên lửa và tên lửa hạt nhân. Tệ hơn nữa, giải pháp này còn tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thời gian quí báu dành cho các nhà khoa học Triều Tiên nắm vững các công nghệ - đặc biệt là công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân - sau đó có thể nhanh chóng triển khai khi giải pháp “cùng đống băng” bị phá vỡ như Thỏa thuận 6 bên trước đây.
Tất nhiên, những nhược điểm của cách tiếp cận “cùng đóng băng” lại không hề bất lợi đối với Trung Quốc. Trên thực tế, việc đưa ra giải pháp này hầu như là một quyết định chiến thuật của Bắc Kinh. Là nước bảo trợ chính của Triều Tiên, Trung Quốc được coi là chìa khóa để kiềm chế tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng Trung Quốc không muốn dồn ép Triều Tiên vì lo sợ rằng làm như vậy có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng và kéo theo sự sụp đổ của vùng đệm chiến lược ngăn cách Mỹ.
Trong bối cảnh này, đề xuất “cùng đóng băng” thực sự không nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trung Quốc biết rõ rắng phía Mỹ sẽ thẳng thừng bác bỏ đề xuất này và chuyển hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khỏi vai trò đòn bẩy của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, chĩa mũi dùi vào cách tiếp cận chính sách đáng lo ngại của chính quyền Trump.
Bằng cách đưa ra giải pháp “cùng đóng băng”, Trung Quốc đã đẩy quả bóng sang phần sân của nước Mỹ và đặt trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên lên vai Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giáo sư Minxin Pei kết luận: Nếu thực sự muốn có một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc cần khắc phục hai nhược điểm nói trên của đề xuất “cùng đóng băng”. Trung Quốc cần đề xuất một chế độ kiểm chứng chi tiết nghiêm ngặt và cam kết sẽ hoạt động như một cơ quan thực thi chính của giải pháp “cùng đóng băng” nói trên. Bắc Kinh cần nói rõ rằng nếu Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận này, thì ngay lập tức Triều Tiên sẽ mất tất cả sự bảo vệ và hỗ trợ từ phía Trung Quốc.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)