Thảm kịch tàu Mỹ bắn rơi máy bay Iran 31 năm trước

Google News

Tháng 7/1988, tuần dương hạm USS-Vincennes của Mỹ đã bắn rơi một máy bay chở khách của Iran vì nhầm lẫn là máy bay chiến đấu, vụ việc khiến 290 người thiệt mạng.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ở mức nguy hiểm sau khi Vệ binh Cách mạng Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ. Tổng thống Donald Trump thậm chí đã ra lệnh đáp trả quân sự, nhưng ông đã thu hồi mệnh lệnh vào phút chót.
Eo biển Hormuz, nơi chiếc máy bay do thám RQ-4 bị bắn hạ, là một trong những tuyến đường hàng không nhộn nhịp của thế giới. Ngay sau khi chiếc RQ-4 bị bắn, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh cấm bay khẩn cấp đối với các hãng hàng không Mỹ hoạt động trên khu vực do Iran kiểm soát ở eo biển Hormuz và vịnh Oman.
Theo một ứng dụng chuyên theo dõi các chuyến bay, tại thời điểm RQ-4 bị bắn, một máy bay thương mại đang bay cách nó khoảng 81 km. FAA lo ngại căng thẳng leo thang, hoạt động quân sự gần các đường bay dân dụng, cũng như việc Iran sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa trong không phận quốc tế mà không có cảnh báo trước sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không.
Chuyện này đã từng xảy ra 31 năm trước. Năm 1988, tuần dương hạm USS-Vincennes của Mỹ bắn nhầm máy bay hành khách của Iran.
Trong bài viết trên Foreign Policy Journal, nhà báo độc lập Jeremy R. Hammond, người chuyên theo dõi vai trò của chính phủ Mỹ trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, chỉ trích Mỹ đã gây ra thảm kịch đối với dân thường, che giấu báo cáo, trì hoãn bồi thường và từ chối đưa ra lời xin lỗi đối với nạn nhân.
Sự nhầm lẫn tai hại
Những năm 1980, khi chiến tranh Iran-Iraq leo thang, hai bên mở rộng đánh phá vào các tàu chở dầu của đối phương trên eo biển Hormuz. Hải quân Mỹ khi đó tăng cường thêm tàu chiến đến khu vực để bảo vệ tàu chở dầu của họ và các quốc gia trung lập.
Nhin lai tham kich tau My ban roi may bay Iran 31 nam truoc
 USS-Vincennes là một trong những chiến hạm hiện đại nhất thế giới vào năm 1988. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Ngày 3/7/1988, USS-Vincennes do hạm trưởng William C. Rogers III chỉ huy vượt qua eo biển Hormuz để trở về Bahrain sau nhiệm vụ hộ tống. Tàu tuần tra của Iran tấn công một trực thăng cất cánh từ tuần dương, hạm trưởng Rogers III cho tàu quay lại và truy đuổi tàu tuần tra.
Vào thời điểm cuộc rượt đuổi diễn ra, máy bay chở khách Airbus A-300 203 B2, số hiệu IR655, của hãng hàng không Iran Air cất cánh từ sân bay Bandar Abbas trong hành trình đến sân bay Dubai, UAE. Chiếc A-300 rời khỏi đường băng vào lúc 10h17.
Phi cơ của Iran sử dụng hệ thống thu-phát tín hiệu mã "squawk" (đặc trưng của máy bay dân sự) và duy trì liên lạc vô tuyến với trạm kiểm soát không lưu mặt đất. Ngay khi vừa cất cánh, máy bay đã lọt vào phạm vi kiểm soát của radar Aegis trên tuần dương hạm USS-Vincennes.
Tuần dương hạm phát 3 đoạn mã vô tuyến để yêu cầu máy bay khai báo nhận dạng, nhưng không thấy tín hiệu phản hồi. Ê kíp chiến đấu trên tuần dương hạm USS-Vincennes cho rằng phi cơ A-300 đang bay trên đầu họ là một tiêm kích F-14 Tomcat của Không quân Iran.
Hạm trưởng Rogers III nhận định chiếc A-300 là "một mối đe dọa" và ra lệnh phóng 2 tên lửa đối không SM-2MR về phía phi cơ. Ở thời điểm đó, SM-2 là tên lửa hải đối không hiện đại nhất thế giới. Phi cơ A-300 rơi, khiến toàn bộ 290 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) xếp vụ bắn nhầm vào hạng thứ 9 trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử. Vụ việc trở thành một “vết đen” trong lịch sử quan hệ đầy bất trắc giữa hai nước.
Những biện minh thiếu căn cứ
Hải quân Mỹ biện minh rằng họ nhầm phi cơ A-300 với máy bay chiến đấu F-14 của Iran. Tuy nhiên, dữ liệu từ hệ thống chiến đấu Aegis cho thấy phi cơ đang lấy độ cao để bay lên chứ không giảm dần độ cao, động thái điển hình trong một cuộc tấn công từ trên không. Điều này đặt ra dấu hỏi về khả năng vận hành hệ thống và nhận thức tình huống của thủy thủ đoàn.
Nhin lai tham kich tau My ban roi may bay Iran 31 nam truoc-Hinh-2
Người dân Iran thả hoa lay ơn xuống biển để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số trong lễ kỷ niệm 24 năm vụ bắn rơi chuyến bay 655. Ảnh: Getty. 
Theo báo cáo tường trình của USS-Vincennes, họ đã cố gắng để liên lạc với máy bay xấu số 7 lần trên tần số quân đội và 3 lần trên tần số dân sự khẩn cấp. Tuy nhiên, A-300 lại không được thiết kế để nhận các tần số quân sự, trong khi tần số dân sự khẩn cấp có thể đã hướng về phía máy bay khác.
Washington chỉ công bố một phần bản báo cáo điều tra vào năm 1988 và công bố phần còn lại vào năm 1993, cho thấy có những điều Mỹ không muốn công khai. Ngoại trưởng Iran lúc đó là Ali Akbar Velayati đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng vụ tấn công của Mỹ "không thể là một sai lầm, mà là một hành động tội phạm".
Năm 2000, BBC công bố một tài liệu từ chính phủ Mỹ cho rằng ê kíp chiến đấu trên tàu USS-Vincennes đã chịu rất nhiều áp lực bởi tình hình xung quanh. Hạm trưởng William C. Rogers III phải ra một quyết định khó khăn để bảo vệ tính mạng thủy thủ đoàn.
Việc họ lo lắng khi thấy một máy bay đang tăng dần độ cao là điều có vẻ khá vô lý. Mối nguy hiểm mà phi cơ A-300 tạo ra cho họ rất mơ hồ và không hợp lý khi đối chiếu với lời giải thích của thuyền trưởng.
Mãi đến năm 1996, tức 8 năm sau thảm họa, chính phủ Mỹ mới đồng ý chi trả khoảng 70 triệu USD cho Iran để bồi thường cho các nạn nhân xấu số. Nhưng Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi chính thức nào.
Đối với Mỹ, thảm kịch chuyến bay 655 vẫn chỉ là “một sai lầm” và công chúng Mỹ hiếm khi được nghe thấy về vụ việc. Nhưng đối với người dân Iran, đặc biệt là thân nhân của 290 nạn nhân xấu số, thảm kịch là điều không bao giờ quên, ông Hammond viết.
Chính phủ Mỹ thậm chí còn đổ lỗi cho Iran vì cho phép máy bay dân sự hoạt động trên khu vực có chiến sự. USS-Vincennes ở trong lãnh hải Iran ở thời điểm nó bắn rơi chuyến bay 655, nhưng Washington đổ lỗi cho phía Tehran đã nổ súng bắn vào họ trước.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại

Mời độc giả xem thêm video: Căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng xung quanh thỏa thuận hạt nhân P5+1 (Nguồn: VTC14)

Theo Trung Hiếu/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)