Snowden hủy hoại nỗ lực ngoại giao của chính quyền Obama

Google News

(Kiến Thức) - Cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden đã phá hỏng hàng loạt kế hoạch ngoại giao quan trọng của chính quyền Obama.

"Người hùng" Edward Snowden (phải) bị xem là "kẻ phá bĩnh", hủy hoại toàn bộ thành tựu ngoại giao của chính quyền Obama.

Kể từ ngày đầu tiên bước vào văn phòng tổng thống, chính sách đối ngoại của ông Obama đã đặt mục tiêu: tái thiết quan hệ với Nga; xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc và nỗ lực “vun vén” quan hệ với các đối thủ truyền thống bao gồm Iran và Venezuela.

Tuy nhiên, những chuyến xê dịch toàn cầu của cựu nhân viên CIA Snowden cuối tuần qua đã làm lộ rõ mặt hạn chế của chính sách đối ngoại của chính quyền Obama khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia mà ông chủ Nhà Trắng nỗ lực “ve vãn” và tiếp xúc thân mật gần đây đều sẵn sàng phớt lờ và làm ông bẽ mặt.

Bản thân cựu nhân viên CIA Snowden và nhóm lộ mật WikiLeaks đã hoàn thiện bức tranh đầy đủ về một thế giới kém sẵn sàng hơn bao giờ hết trong việc tuân thủ luật Mỹ.  

Snowden đã bay ra khỏi lãnh thổ Hong Kong, khu vực bán tự trị thuộc về Trung Quốc, vào sáng sớm hôm qua sau khi chính quyền ở đây khước từ yêu cầu bắt giữ và dẫn độ cựu nhân viên CIA của Mỹ.

Bắc Kinh có thể chỉ đơn thuần muốn thoát khỏi một kẻ có khả năng làm phức tạp các quan hệ nhiều mặt với Washington. Nhưng điểm đến tiếp theo của cựu nhân viên CIA lại là Nga – đối thủ truyền kiếp của Mỹ. Đặc biệt là khi Tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền hồi tháng 5/2012, quan hệ giữa Moscow và Washington càng có vẻ nặng nề và căng thẳng hơn.

Trang mạng WikiLeaks đứng về phía Snowden cho biết, cựu nhân viên CIA có ý định muốn chạy đến Ecuador – nơi chính phủ ở đây có quan hệ thù địch với Mỹ. Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino Aroca cũng đã xác nhận, chính phủ nước này đã nhận được đơn xin tị nạn chính trị của Snowden.

Chắc chắn chính phủ Mỹ tới đây sẽ tìm kiếm tất cả các quyền hạn pháp lý và ngoại giao chính trị để dẫn độ “kẻ tội đồ” về nước sau khi khép cựu nhân viên CIA vào tội gián điệp và trộm cắp tài sản của chính phủ.

Mỹ đã hủy bỏ hộ chiếu của Snowden để ngăn “kẻ tội đồ” tự do xê dịch khắp thế giới. Nhưng Snowden hiện sở hữu những đòn bẩy quan trọng riêng, dưới hình thức là “một bộ nhớ” lưu trữ một lượng không thể đoán được các bí mật của NSA.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm qua xác nhận, chính phủ Mỹ không biết lượng bí mật mà cựu nhân viên CIA đã thu thập được lớn đến mức độ nào.

"Điều duy nhất tôi biết được là anh ta có thể sở hữu 200 danh mục thông tin riêng biệt và dù điều đó có chính xác hay không thì đó là tất cả những gì tôi biết được”, ông Feinstein nhấn mạnh.

Trước đó một ngày, “người hùng” Snowden đã tiết lộ với tờ South China Morning Post của Hong Kong rằng, Mỹ đã tấn cộng mạng điện thoại di động và hệ thống gửi tin nhắn văn bản của Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ liệu những tiết lộ như vậy có phải là yếu tố đóng vai trò quyết định dẫn đến quyết định thả cựu nhân viên CIA của chính quyền Hong Kong bất chấp yêu cầu bắt giữ và dẫn độ của Mỹ hay không. Tuy nhiên, cá nhân nhiều quan chức Mỹ nhấn mạnh, họ tin chính quyền Bắc Kinh đã chỉ thị cho phép Snowden rời khỏi Hong Kong.

Khi làm như vậy, người Trung Quốc có thể chỉ đơn giản “loại bỏ được cái nhọt” có khả năng phát triển thành “một cơn đau ngoại giao”, ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ.

"Đối với Trung Quốc, việc để Snowden ra đi là một sự giải thoát. Họ không muốn để kéo dài thời gian che chở cho cựu nhân viên CIA Mỹ. Họ quan ngại nếu mọi thứ (liên quan đến Snowden) phát triển ngoài tầm kiểm soát, những thành quả ngoại giao vừa đạt được với Mỹ, chẳng hạn thông qua Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây ở California. Do vậy, Trung Quốc sẽ hoan nghênh nếu “bến đỗ” tiếp theo của Snowden là Nga”, Cheng Li, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings cho biết.

Kể từ sau khi vụ bê bối nghe lén vở lỡ, không chỉ “kẻ lộ tin mật” Snowden hứng cơn giận dữ của giới lập pháp Mỹ sau khi bị cáo buộc là “kẻ phản bội lại đất nước” mà chính quyền Obama cũng bị liên lụy, hứng chịu không ít chỉ trích từ các nhóm bảo thủ.

Những lời chỉ trích tập trung vào việc làm thế nào chính quyền lại để Snowden nắm giữ một công việc nhạy cảm với nhà thầu Booz Allen Hamilton và bỏ trốn với bằng chứng về một loạt các chương trình bảo mật bậc nhất của chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Dân biểu Đảng Cộng hòa Peter King, cựu Chủ tịch của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống nên tích cực hơn trong việc bảo vệ các chương trình giám sát có chức năng phát hiện, ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và đặc biệt, phải tỏ ra quyết đoán hơn với các đối tác nước ngoài.

“Tôi thấy rất lo ngại vì Tổng thống đã quá ôn hòa trước vụ này. Và một lần nữa, tôi đang nói rằng, ông ấy đã không thể kiểm soát nó. Tôi cho rằng, các quốc gia khác đang lợi dụng vụ này. Điều này quả là đã giáng một đòn ngoại giao mạnh vào tổng thống cũng như vào Mỹ”, ông King nhấn mạnh.

Nếu Nga cho phép Snowden tiếp tục cuộc hành trình tới Ecuador, chính sách “tái thiết” quan hệ với Nga của chính quyền Obama từ năm 2009 sẽ hoàn toàn đổ vỡ khi thời gian gần đây quan hệ Nga-Mỹ đã rạn nứt nghiêm trọng trên nhiều vấn đề như vấn đề nhận con nuôi, phòng thủ tên lửa và Syria.

Báo Anh The Guardian dẫn lời cảnh báo của Thượng nghị sĩ Dân chủ hàng đầu Chuck Schumer nhấn mạnh, về "những hậu quả nghiêm trọng" nếu Moscow không dẫn độ  Edward Snowden về Mỹ.

“Ông Putin gần như luôn tỏ ra đối đầu với Mỹ, nào là vấn đề Syria, Iran và giờ đây là Snowden. Đó không phải là cách khôn ngoan mà các nước lớn nên đối xử với nhau và tôi cho rằng, điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ Nga-Mỹ”, ông Schumer nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Bạch Dương (Theo Reuters)

Bình luận(0)