|
"Kẻ đào tẩu" đã có "nhà mới" là Venezuela.
|
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã đồng ý với đề nghị cho tị nạn chính trị của Venezuela. Điều này đã được người đứng Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế Alexei Puskov xác nhận hôm Thứ Ba (9/7). “Chắc rằng đây là phương án đáng tin cậy nhất cho ông Snowden”, ông Puskov viết trên Twitter.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo rằng, đất nước của ông đã nhận được đơn xin tị nạn của cựu nhân viên CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden và sẵn sàng đón tiếp anh này. Bây giờ vấn đề duy nhất là khi nào và bằng cách nào Snowden chuyển đến nơi ở mới. Việc cấp quy chế "tị nạn chính trị" cho Snowden ở Mỹ Latinh biến thành chiến dịch chính trị tập thể, hành động ngoại giao chống Mỹ. Ngoài Venezuela, còn có Bolivia và Nicaragua sẵn sàng đón tiếp Snowden. Cuba sẵn sàng xem xét đơn xin tị nạn của ông.
|
Tổng thống Nicolas Maduro thông báo Venezuela sẵn sàng đón tiếp Edward Snowden. |
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc cung cấp tị nạn hoặc giấy tờ cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden sẽ tự động dẫn đến sự suy giảm các mối quan hệ với Mỹ. "Điều này cũng liên quan tới Venezuela” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jennifer Psaki cho biết tại một buổi họp báo ở Washington.
Nhưng, Snowden có vấn đề lớn với việc "di chuyển" tới nơi ở mới. Anh ta có thể bay tới Venezuela qua Cuba, nhưng, một phần đường bay lại đi qua không phận Mỹ. Và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với chiếc máy bay chở Snowden. Đường bay qua lục địa châu Âu trên thực tế cũng bị đóng cửa sau vụ việc ở Áo với chiếc máy bay của Tổng thống Bolivia Evo Morales. Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ không cho phép máy bay với Snowden bay qua không phận của họ. Hành trình qua Đại Tây Dương đi qua Ireland cũng bị loại bỏ. Các nhà chức trách Ireland đã thông báo có ý định ép hạ cánh máy bay chở “kẻ đào tẩu” Snowden.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rõ rằng Snowden đã ở Nga quá
lâu. |
Nhưng, Snowden vẫn phải rời Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ ràng rằng Snowden đã ở Nga quá lâu và và ông không muốn chuyện đó tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga-Mỹ.
Về phần mình, Mỹ cũng không muốn tranh cãi với Nga do vụ Snowden. Ngày 8/7, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Mỹ Bernadette Meehan đã bác bỏ thông tin đăng tải trên một số tờ báo Nga rằng Tổng thống Barack Obama có thể hủy bỏ chuyến thăm Nga vào tháng Chín tới do “chuyện Snowden”.
Tại Mỹ, Snowden bị cáo buộc tiết lộ bí mật nhà nước và hoạt động gián điệp và có thể bị kết án chung thân hoặc thậm chí tử hình. Snowden đã biết từ trước điều đó. Ngày 9/7, báo The Guardian (Anh) đã dẫn lời “kẻ đào tẩu” Snowden nói: “Tôi nghĩ rằng, chính phủ sẽ mở cuộc điều tra chống lại tôi. Họ sẽ cáo buộc tôi có tội phạm nghiêm trọng, đã vi phạm Luật gián điệp (Đạo luật năm 1917). Họ sẽ nói rằng, tôi đã giúp cho các kẻ thù của Mỹ bằng cách cung cấp dữ liệu về sự tồn tại của các hệ thống (giám sát toàn cầu). Nhưng, điều này có thể nói về bất cứ ai tiết lộ thông tin về sự tồn tại của hệ thống giám sát hàng loạt”.
|
Dự đoán con đường "kẻ đào tẩu" Snowden đến Venezuela của tạp chí Đức Spiegel.
|
Xem ra, câu chuyện “Snowden ở sân bay Sheremetyevo” sắp kết thúc. Nhưng, người ta vẫn chưa rõ nó sẽ kết thúc như thế nào.