Khi còn làm thứ trưởng ngoại giao trong chính quyền Obama, ông Antony Blinken được biết đến là người luôn quảng bá các giá trị cốt lõi của nền dân chủ Mỹ trong chính sách đối ngoại và củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington.
|
Ông Antony Blinken. Ảnh: ABC News. |
“Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để điều chỉnh các hành động phù hợp với những quy tắc của chúng tôi. Với vai trò lãnh đạo, Mỹ có khả năng huy động những quốc gia khác và tạo ra sự khác biệt”, ông Blinken khẳng định trong một bài phát biểu vào tháng 6/2015 tại Trung tâm an ninh Mỹ mới ở Washington.
Mang tính cạnh tranh hơn
Sự tập trung vào các giá trị của nước Mỹ, cùng với cam kết củng cố và dẫn đầu các liên minh từ châu Âu đến châu Á, dự kiến sẽ hợp thành hai trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của ông Blinken khi ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Mặc dù các đồng minh và đối tác hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại cách tiếp cận mang tính truyền thống hơn về vai trò lãnh đạo của nước này, nhiều đối thủ của Washington chắc chắn sẽ không hài lòng. Theo các chuyên gia đối ngoại, không đối thủ nào lo ngại trước sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ trên sân khấu quốc tế như Nga. Dưới thời Tổng thống Trump, Nga đã tận dụng việc Mỹ rút khỏi vai trò đầu tàu trong một số vấn đề như Syria và Iran để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của nước này, thậm chí là thế chân Mỹ.
Một số chuyên gia nghiên cứu về quan hệ giữa các cường quốc đánh giá, trong bối cảnh chính quyền mới của ông Biden có ý định thách thức sự mở rộng ảnh hưởng của các đối thủ như Nga, và thực hiện điều đó bằng cách củng cố các liên minh, song song với việc tái khẳng định các giá trị của Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ sẽ trở nên căng thẳng và cạnh tranh hơn.
Ông Charles Kupchan – một chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington cho biết: “Từ những gì ông Biden đã nói trong chiến dịch tranh cử và sau cuộc bầu cử khi ông công bố đội ngũ an ninh quốc gia, có thể thấy rằng ông ấy sẽ đặt các liên minh và các giá trị của nước Mỹ lên đầu tiên và ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại”.
“Biden sẽ nhấn mạnh những cam kết với các đồng minh của Mỹ, với nền dân chủ, tự do nhưng điều này sẽ khiến Nga và nhiều đối thủ khác tức giận”, chuyên gia Charles Kupchan nói thêm.
Đối đầu thay vì hợp tác?
Quan hệ Nga-Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió dưới thời Tổng thống Trump. Chính quyền ông Trump đã đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thông qua một loạt thỏa thuận bán vũ khí cho Ukraine. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng, chính quyền ông Trump vẫn thiếu một chính sách rõ ràng để định hướng các hành động của Washington đối với Moscow. Mặc dù ông Trump luôn dành những lời lẽ đầy thiện cảm cho Tổng thống Putin và ca ngợi quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai người, song nhiều cố vấn cấp cao trong Nhà Trắng và các thành viên trong Quốc hội lại theo đuổi lập trường thiên về trừng phạt và đối đầu.
“Chúng ta không có một chính sách cụ thể đối với Nga dưới thời ông Trump, tất cả chỉ là sự hỗn độn, nhưng dưới thời Biden thì sẽ có”, chuyên gia Charles Kupchan đánh giá.
Theo một số chuyên gia, chính sách đối với Nga của chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ nâng cao kỳ vọng về việc thúc đẩy Nga thực hiện các hành vi được quốc tế chấp nhận trong bất cứ hoạt động ngoại giao nào.
“Việc lựa chọn ông Antony Blinken làm ngoại trưởng và lựa chọn nhân sự cho đội ngũ an ninh quốc gia phần nào cho thấy định hướng trong chính sách đối ngoại của ông Biden và tôi cho rằng điều đó cũng dẫn đến những thay đổi trong quan hệ Nga- Mỹ”, David Kramer – cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush đánh giá.
|
Ông Biden được cho là sẽ cứng rắn hơn với Nga. Ảnh: BBC. |
Kể từ khi ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua, đã có nhiều đồn đoán về cách tân tổng thống Mỹ sẽ đối phó ra sao với các đối thủ lớn trên toàn cầu như Nga và Trung Quốc. Ông Biden được cho là theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh so với chính quyền Trump và né tránh cách tiếp cận theo xu hướng hợp tác mà chính quyền ông Obama áp dụng trong những năm đầu nhiệm kỳ vốn được cho là khuyến khích một cường quốc mới nổi tiếp cận vai trò lãnh đạo toàn cầu theo mô hình phương Tây.
Tương tự khi nói đến Nga, chính quyền của ông Biden được cho là sẽ không khơi lại hy vọng tái thiết quan hệ với Moscow. Một chủ đề phổ biến mà ông Blinken ủng hộ trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden chính là việc chính quyền mới sẽ không tương tác với thế giới “theo mô hình năm 2009 hoặc năm 2017” khi ông Obama rời nhiệm sở. Vì thế sẽ không có bất cứ cuộc đối thoại nào về việc xây dựng lại quan hệ với Tổng thống Putin bởi Ngoại trưởng tương lai Blinken và Tổng thống đắc cử Joe Biden hiện giờ đã trở nên cứng rắn hơn với Nga.
Khó kỳ vọng sự tái thiết quan hệ
Câu hỏi đặt ra là chính quyền mới sẽ dành bao nhiêu sự quan tâm để xây dựng một chính sách mang tính đối đầu hơn với Nga vì ông Biden sẽ phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề trong nước ngay khi lên nắm quyền, từ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đến khôi phục nền kinh tế.
Nikolas Gvosdev – chuyên gia nghiên cứu các vấn đề an ninh tại Đại học Chiến tranh Hải quân tại Newport, Rhode Island nhận định: “Trong vài năm qua, Nga đã can dự vào nhiều vấn đề quốc tế như Ukraine và Venezuela nhưng họ không gặp phải sự phản đối hay bị đáp trả từ Mỹ. Nếu chính quyền ông Biden có lập trường cứng rắn hơn và áp dụng thêm nhiều biện pháp trừng phạt hơn thì điều này sẽ khiến ông Putin phải điều chỉnh lại các hành động của mình”.
Ngay cả khi ông Putin được cho là trở nên thận trọng hơn trong từng đường đi nước bước, chuyên gia Gvosdev nói rằng, ông sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến nhà lãnh đạo Nga thực hiện một số bước đi táo bạo trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump, chẳng hạn như gấp rút hoàn thành 100km cuối cùng của đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Tây Âu thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2, hoặc có các hành động đối đầu lực lượng Mỹ ở Bắc Cực.
Chuyên gia Charles Kupchan nhận xét, đội ngũ của ông Biden rất thực tế trong phương hướng hành động, vì thế “họ sẽ không tìm cách thay đổi chế độ hay sử dụng những lời hứa hão huyền để lôi kéo đối thủ thay đổi đường lối của họ”, ông Kupchan nhấn mạnh.
Dù theo đuổi lập trường cứng rắn, nhưng chính quyền mới của Mỹ nhiều khả năng vẫn để ngỏ các cơ hội hợp tác với Nga, tuy nhiên sự hợp tác có thể giới hạn trong phạm vi kiểm soát vũ khí chẳng hạn như gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) – dự kiến hết hiệu lực vào đầu tháng 2/2021, hoặc cũng có thể là thực hiện một số nỗ lực hợp tác tại Bắc Cực.
Ông Blinken từng nói đến việc tận dụng sự không thoải mái của Tổng thống Putin khi chứng kiến sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Nga vào Trung Quốc trên một số lĩnh vực để khuyến khích xây dựng mối quan hệ mang tính hợp tác hơn giữa Washington và Moscow.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hơn nữa việc Mỹ thực hiện các chiến lược nhằm ngăn chặn việc hình thành một liên minh giữa Nga và Trung Quốc”, ông Kupchan cho biết.
Tuy vậy, không ai mong đợi mối lo ngại tiềm ẩn này sẽ khiến Mỹ xích lại gần hơn với Nga. Ông Kramer nói: “Bất cứ ai hy vọng vào sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Mỹ cũng nên kiềm chế mong đợi này. Bạn sẽ sớm thất vọng”.