Tổng thống Barack Obama đã làm cái điều mà không một Tổng thống Mỹ đã làm khi còn tại nhiệm trong gần 9 thập kỷ qua và đó là một chuyến đi tới Cuba. Nhà Trắng hy vọng rằng chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama sẽ là di sản để đời cho các vị tổng thống Mỹ sau này.
|
Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama bước từ chuyên cơ Không lực 1 xuống sân bay quốc tế Jose Marti ở thủ đô La Habana.
|
Thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba
Đây là chuyến thăm nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba sau hơn 50 năm đối đầu thù địch. Nhưng chuyến đi này cũng là một sự thừa nhận rằng chính sách kéo dài hơn nửa thế kỷ qua của Mỹ đối với “hòn đảo tự do” này là không hữu hiệu.
Nhà phân tích Kornbluh nói với Al Jazeera: "Chuyến đi này là nhằm thúc đẩy đà bình thường hóa quan hệ, củng cố chính sách can dự (với Cuba) và làm cho chính sách này là không thể đảo ngược đối với mọi tổng thống Mỹ tiếp theo”.
Trong chuyến đi hai ngày đến La Habana, bắt đầu từ ngày 21/ 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Raul Castro, các doanh nghiệp Cuba và các nhà hoạt động cộng đồng. Tổng thống Obama sẽ công bố những biện pháp mới để thúc đẩy quan hệ song phương, xem một trận đấu bóng chày và nói chuyện trực tiếp với người dân Cuba. Tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến đi này là Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi và 16 nghị sĩ Dân chủ khác.
Từ lâu, chính quyền Obama đã theo đuổi chính sách can dự với Cuba. Năm 2009, Washington đã bãi bỏ một số hạn chế đi lại và chuyển tiền của người gốc Cuba ở Mỹ cho gia đình ở “hòn đảo tự do” này. Nhiều rào cản giữa Mỹ và Cuba đã được hạ thấp vào giữa năm 2013 sau khi các cuộc đàm phán bí mật với sự môi giới của Giáo hoàng Francis và cuối cùng dẫn đến một cuộc trao đổi tù nhân.
Năm 2014, Tổng thống Obama thông báo rằng quan hệ Mỹ-Cuba sẽ bước vào một kỷ nguyên mới. Ông nói: "Hôm nay, Mỹ đang thay đổi quan hệ với người dân Cuba. Một trong những thay đổi chính sách quan trọng nhất trong vòng hơn 50 năm là chúng tôi sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời".
Hồi tháng 1/2015, Mỹ tiếp tục nới lỏng các hạn chế về du lịch tới Cuba và vào mùa xuân năm đó, “hòn đảo tự do” đã được gạch tên khỏi danh sách các nhà nước tài trợ khủng bố - 23 năm sau khi Tổng thống Ronald Reagan đưa Cuba vào danh sách đen này.
Một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Cuba đã diễn ra trong tháng 7/2015, khi Washington thông báo sẽ mở lại Đại sứ quán Mỹ tại La Habana lần đầu tiên kể từ năm 1961. Tháng trước, một thỏa thuận hàng không cho phép khôi phục các chuyến bay trực tiếp giữa Mỹ và Cuba "càng sớm càng tốt ". Và bây giờ, chính quyền Obama thông báo rằng người Mỹ có thể thực hiện các chuyến đi đến Cuba cho các mục đích giáo dục cá nhân thay vì phải đi theo nhóm trong các tour du lịch. Các quy định mới cũng cho phép sử dụng đồng đô la Mỹ trong các giao dịch với Cuba.
Chỉ có điều, Nhà Trắng đang đối mặt với sự phản đối gay gắt từ phía các chính trị gia cứng rắn chống Castro trên Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) và chuyến đi La Habana của Tổng thống Obama đã trở thành đề tài tranh cử của một số ứng cử viên tổng thống, những người đã chỉ trích chuyến đi này là “một phần thưởng cho chế độ” ở Cuba.
Nhà Trắng đã thừa nhận rằng vẫn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai nước về vấn đề nhân quyền, nhưng theo Phó cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes - kiến trúc sư chính trong chính sách Cuba của Tổng thống Obama, việc can dự với các kẻ thù cũ là có lợi cho cả nền dân chủ lẫn lợi ích kinh tế của Mỹ.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes "Chúng tôi cho rằng dậm chân tại chỗ và cô lập Cuba sẽ không giúp thúc đẩy vấn đề. Chúng ta sẽ ở vào một vị thế tốt hơn để hỗ trợ nhân quyền và hỗ trợ cho một cuộc sống tốt hơn cho người dân Cuba bằng cách can dự và trực tiếp nêu ra những vấn đề".
Chính sách bao vây cấm vận Cuba đã thất bại
Một cuộc thăm dò năm 2015 cho thấy 73% người Mỹ ủng hộ việc tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba, trong đó 56% những người ủng hộ của đảng Cộng hòa nói rằng họ chấp nhận hành động can dự của chính quyền Obama. Cuộc khảo sát của Pew cho thấy 72% ủng hộ việc Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba.
Tomas Bilbao, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách can dự Cuba, nói với Al Jazeera: "Có một sự nhất trí áp đảo ở Mỹ rằng các chính sách của nửa thế kỷ qua đã thất bại và rằng chúng ta nên thử một cái gì đó khác. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận (đối với Cuba) sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ cuối năm nay (bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội)”.
Trọng tâm của các lệnh cấm vận (được ban hành từ thời cố Tổng thống John F Kennedy) là bồi thường cho các công ty và công dân Mỹ có tài sản bị tịch thu sau Cuộc cách mạng Cuba (tương đương 1,9 tỷ USD và khoảng 8 tỷ USD cộng lãi). Chính phủ Cuba cũng tuyên bố nước này bị thiệt hại đến 121 tỷ USD do 5 thập kỷ trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Sau đó là vấn đề trao trả căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo mà Mỹ đã chiếm đóng hơn một thế kỷ. Washington cho biết đây là vấn đề không được đưa ra bàn luận, nhưng một số người tin rằng việc Mỹ dịu giọng về vấn đề này là không thể tránh khỏi.
Nhà phân tích Kornbluh nói: "Tất cả các vấn đề sẽ được đàm phán. Và tôi đoán rằng Guantanamo sẽ được trả lại cho Cuba trong thập kỷ tới. Nhưng tất cả phụ thuộc vào việc phe nào chiếm đa số trong Thượng viện và ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp”.
VideoTổng thống Obama phát biểu trước các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Habana, Cuba (Nguồn Reuters):
Error loading player: No playable sources found