Ngày 20/7, đánh dấu thời khắc chính thức khôi phục quan hệ Mỹ-Cuba vốn bị cắt đứt trong hơn 50 năm qua. Đây được coi là một trong những nỗ lực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hôm nay (20/7), quốc kỳ Cuba đã tung bay giữa bầu trời Thủ đô Washington. Và phải đến tháng 8/2015, Ngoại trưởng John Kerry sẽ dự lễ thượng cờ ở La Habana để chính thức tái mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Cuba.
“Sự thay đổi triệt để” trong quan hệ Mỹ-Cuba
Ông Wayne Smith, người từng đứng đầu "Khu vực lợi ích Mỹ" ở La Habana trong giai đoạn 1979-1982, hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. “Đó là một sự thay đổi triệt để nhưng cũng rất tích cực. Mỹ đã theo đuổi một con đường hoàn toàn không hiệu quả. Thay vì cố gắng làm lành với Cuba, chúng ta đã bỏ lỡ mọi cơ hội”, ông Wayne chia sẻ với đài Deutsche Welle (DW) của Đức.
Đáng ngạc nhiên là Mỹ vẫn duy trì một sự hiện diện ngoại giao tương đối lớn ở La Habana trong suốt những năm qua với 50 nhân viên Mỹ và 300 nhân viên Cuba làm việc trong "Khu vực lợi ích Mỹ" ở thủ đô Cuba. Thông tin trên được cựu cố vấn chính sách của Tổng thống Obama, ông Dan Restrepo nói với kênh truyền hình CNN trong một cuộc phỏng vấn.
|
Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp gỡ Tổng thống Obama ở Panama hồi tháng 4/2015.
|
"Khu vực lợi ích Mỹ" ở La Habana tọa lạc trong tòa nhà trước kia từng là Đại sứ quán Mỹ. Và cho tới thời điểm này, các kế hoạch tương lai về khu vực trên đều chưa rõ bởi mọi quyết định liên quan tới nó đều phụ thuộc vào số tiền mà Quốc hội Mỹ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, thông báo của Tổng thống Obama về việc tái khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 17/12/2014 đã vấp phải nhiều phản ứng dữ dội từ phía những người chống đối ở Mỹ.
Chuyên gia về Cuba tại Quỹ Heritage, bà Ana Quintana, chia sẻ: “Là một phần trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba, Tổng thống (Obama) đã phải đưa ra những nhượng bộ nguy hiểm như nới lỏng lệnh trừng phạt, vận động Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận và gạch tên Cuba trong danh sách tài trợ khủng bố”.
Dân Mỹ ủng hộ nối lại quan hệ với Cuba
Tuy nhiên, chuyên gia Wayne Smith cho biết, sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Obama đối với Cuba là phù hợp với tình hình chính trị hiện tại. “Quay trở lại hồi những năm 1960, Mexico là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất duy trì quan hệ thương mại với Cuba. Tuy nhiên, cho tới năm 2014, các nước ở châu Mỹ gần như đều thiết lập quan hệ thương mại-ngoại giao với La Habana, trừ Mỹ”, chuyên gia Wayne Smith thẳng thắn nói.
|
Sau hơn 50 năm cắt đứt quan hệ với Mỹ, cờ Cuba lần đầu tiên tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở Thủ đô Washington hôm 20/7.
|
Cũng cần lưu ý rằng, những người ủng hộ việc
tái khôi phục quan hệ với Cuba của Tổng thống Obama đang chiếm số đông. Kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 63% người Mỹ ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên, phe đối lập không dễ dàng chấp nhận điều này. Theo một số nguồn tin, các nghị sỹ Cộng hòa hiện chiếm ưu thể ở Hạ viện Mỹ từng tuyên bố sẽ tìm cách cản trở bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba.
Nhiều khả năng vẫn duy trì lệnh cấm vận Cuba
Kết quả các cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, khoảng 60% người Mỹ ủng hộ chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba khó có thể được thực hiện vào thời điểm này. Các quan sát viên ở Washington dự đoán, Quốc hội Mỹ sẽ không mở cuộc bỏ phiếu để dỡ bỏ lệnh cấm đó bất chấp sự tác động từ phía chính quyền của Tổng thống Obama.
Eric Hershberg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latinh ở Đại học Washington cho rằng, lệnh cấm vận đó ít nhất năm năm tới mới chính thức được dỡ bỏ.
Dẫu rằng vậy, theo Giáo sư Smith, cuộc sống của người dân Cuba sẽ thay đổi sau khi Đại sứ quán Mỹ tại La Habana mở cửa trở lại. Điều này sẽ mang nhiều cơ hội cho Cuba. “Tôi cho rằng, việc mở Đại sứ quán trở lại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân Cuba", ông Smith nói.