“Phương trình bán đảo Triều Tiên ngày càng khó giải” là tiêu đề bài viết trên chuyên mục “Tranh luận và phân tích” của báo Le Monde số ra ngày 7/4/2017.
Theo Philippe Pons - chuyên gia về Bắc Triều Tiên và là thông tín viên của báo Le Monde tại Tokyo, bài toán bán đảo Triều Tiên ngày càng khó có lời giải đáp. Lý do là Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thiếu hiểu biết về vấn đề Triều Tiên, vừa thiếu nhất quán. Ông Trump từng tuyên bố trên tờ Financial Times là “sẵn sàng giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên nếu Trung Quốc không làm”. Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bị Bình Nhưỡng cho là động thái chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng. Thêm vào đó, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 9/5 có thể dẫn tới sự thay đổi về chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng. Và cuối cùng, có thể là Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân mới.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thiếu hiểu biết về vấn đề Triều Tiên, vừa thiếu nhất quán. Ảnh: CNN.com |
Mặc dù phát biểu của Tổng thống Donald Trump trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc chỉ là khoác lác chứ không phải lời đe dọa thật sự, nhưng theo tác giả bài viết, điều đó cũng kích động bầu không khí vốn đã rất căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ đang có nhiều bất ổn, còn cách thức Washington đánh giá nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại không làm công chúng yên tâm. Ông Robert Gallucci, trưởng đoàn chuyên gia đàm phán Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994 cảnh báo “người dân Mỹ phải biết rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến mới về Triều Tiên”.
Nếu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là một « nhân vật điên rồ » thì tác giả bài viết lại cho rằng ông Kim Jong-un không hề “điên rồ”, đơn giản là cũng giống các nhà lãnh đạo Triều Tiên tiền nhiệm muốn bảo vệ chế độ Bình Nhưỡng.
Trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập tới giải pháp quân sự, nhưng Philippe Pons dẫn lời ông Christopher Hill, trưởng đoàn Mỹ trong “đàm phán 6 bên” (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Nga) đánh giá là không thể có giải pháp quân sự phù hợp trên Bán đảo Triều Tiên vì nhiều lý do.
Cuộc tấn công phủ đầu ít có cơ may phá hủy ngay lập tức hệ thống hạt nhân rải khắp miền bắc Triều Tiên. Và ngay cả nếu điều đó xảy ra, đòn đáp trả của Bình Nhưỡng sẽ đầy chết chóc : dàn đại pháo của Triều Tiên - chỉ cách Seoul 50km - sẽ nhấn chìm thủ đô Hàn Quốc trong biển lửa và máu. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và các nhà máy điện hạt nhân ở ven biển Nhật Bản cũng sẽ thành mục tiêu tấn công của Bình Nhưỡng. Và chắc chắc các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ không tán thành giải pháp tấn công quân sự của Mỹ. Còn Trung Quốc đương nhiên sẽ không khoanh tay đứng nhìn Mỹ tấn công CHDCND Triều Tiên.
Theo tác giả Philippe Pons, Washington chỉ còn có hai khả năng: hoặc là tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng hoặc là đàm phán lại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Về khả năng tăng cường trừng phạt, chắc chắn Mỹ và Trung Quốc sẽ không đạt được đồng thuận. Khi Mỹ đổ thừa trách nhiệm cho Trung Quốc về việc các biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả, điều này có nghĩa là Washington không tin tưởng rằng Bắc Kinh có cùng mục tiêu. Về phía Trung Quốc, dù có phản đối các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không bao giờ muốn chế độ Kim Jong-un mất ổn định vì nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ và Hàn Quốc thống nhất được bán đảo Triều Tiên thì quân đội đồng minh của Mỹ, thậm chí là lực lượng quân sự của Mỹ sẽ hiện diện ở sát biên giới Trung Quốc.
Về giải pháp đàm phán lại với Bắc Triều Tiên, nếu diễn ra vào những năm 1990, rất có thể Washington sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân để đổi lấy an ninh và trợ giúp về kinh tế. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Iraq đã làm cho ban lãnh đạo Triều Tiên hiểu được rằng cách duy nhất để không rơi vào vết xe đổ của Iraq là phải tăng cường sức mạnh tấn công quân sự. Vì thế, cựu giám đốc tình báo Mỹ James Clapper từng thừa nhận : “Kế hoạch giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã thất bại”.
Thông tín viên Philippes Pons nhận định, để đối phó với Triều Tiên, phải hiểu được ba điều : nhà lãnh đạo Kim Jong-un không điên rồ, chế độ Triều Tiên không phải đang sụp đổ và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân. Washington cùng các đồng nghĩ rằng có thể ép Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng bằng cách đe dọa trừng phạt các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Trước mắt, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên lập trường : vừa ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, vừa yêu cầu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngừng tập trận chung.
Tác giả bài viết kết luận: Nếu mạnh tay trong khi lại thiếu lá bài chủ, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ khiến “bài toán” Triều Tiên ngày càng “khó giải”.