Phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gợi lên nhiều luồng dự đoán trái ngược. Nhiều người cho rằng đây có thể là “phiên tòa thế kỷ”, số khác lại nghĩ kịch bản của phiên luận tội hồi tháng 1/2020 sẽ lặp lại vào ngày 9/2.
Vào ngày 14/1, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội ông Trump với cáo buộc "kích động bạo lực", gây ra vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, làm ít nhất 5 người thiệt mạng.
Dù đã rời nhiệm sở, ông Trump vẫn duy trì ảnh hưởng lên một bộ phận đáng kể các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa. Do đó, cựu tổng thống được dự đoán sẽ trắng án, tương tự phiên luận tội trước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều điểm khác biệt then chốt giữa hai phiên xét xử.
Khó khăn chờ ông Trump
Ông Trump hiện là cựu tổng thống, người đầu tiên bị Thượng viện xét xử sau khi rời nhiệm sở. Do đó, chủ tọa sẽ không phải là Chánh án John Roberts của Tòa án Tối cao, mà là Patrick Leahy - thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tại vị lâu nhất.
Hiện ông Trump cũng mất đi công cụ truyền thông đắc lực là Twitter, sau khi mạng xã hội này khóa vĩnh viễn tài khoản của ông vì những lùm xùm quanh vụ bạo loạn ở Điện Capitol.
|
Không sử dụng Twitter, ông Trump mất đi vũ khí truyền thông ưa thích. Ảnh: Reuters. |
Quá trình tố tụng sẽ diễn ra tại phòng họp Thượng viện - đồng thời là hiện trường vụ án, nơi những người biểu tình cực đoan chiếm đóng vào ngày 6/1.
Chín công tố viên của đảng Dân chủ dự kiến sẽ trình bày đoạn video mới và lời khai của nhân chứng. Điều này được dự đoán sẽ gợi lên một cách sống động nỗi kinh hoàng mà các thành viên quốc hội đã trải qua khi những người biểu tình cầm vũ khí đi lùng sục họ trong trụ sở quốc hội.
|
Nhân viên tòa nhà quốc hội trốn dưới gầm bàn để tránh đám đông biểu tình. Ảnh: New York Times. |
“Nếu đảng Dân chủ làm được những gì mà họ dự định và đưa ra bằng chứng trực quan, kịch bản của phiên luận tội lần trước sẽ không lặp lại”, sáng lập viên Charlie Sykes của nền tảng tin tức Bulwark nhận định.
“Bản tường thuật trực quan sẽ khiến các nghị sĩ khó lòng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ bạo loạn, đặc biệt là khi phần lớn trong số họ lại là nhân chứng ở một chừng mực nào đó”, ông Sykes nói thêm.
Lập luận của hai bên
Tính đến nay, lịch sử Mỹ mới chỉ chứng kiến 4 phiên luận tội tổng thống, và ông Trump chiếm một nửa trong số đó. Điều này đã tạo tiền đề cho phiên tranh luận tại Thượng viện vào ngày 9/2. Các bản tóm tắt pháp lý do bên nguyên và bên bị đệ trình đã vạch ra những điểm có thể được đem ra tranh luận.
Các công tố viên của Hạ viện lập luận rằng ông Trump “chịu trách nhiệm đặc biệt” về vụ bạo loạn ở Điện Capitol bằng cách “kích động bạo lực, khơi mào cuộc biểu tình, và trục lợi cá nhân từ sự tàn phá sau đó”.
Họ cho rằng viễn cảnh cuộc bạo loạn diễn ra mà không có sự liên quan của cựu Tổng thống Trump là điều “không tưởng”. Các công tố viên Hạ viện đồng thời viện dẫn quan điểm tương tự từ Hạ nghị sĩ Liz Cheney, một đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump bất chấp sức ép từ đảng của mình.
|
Ông Trump mít tinh kêu gọi người ủng hộ đến Điện Capitol vào ngày 6/1. Ảnh: AP. |
Bên kia chiến tuyến, nhóm pháp lý của ông Trump trình lên Thượng viện bản tóm tắt dài 14 trang, trong đó sử dụng từ “phủ nhận” tổng cộng 29 lần, theo Guardian.
Đội ngũ tập hợp vội vàng trong chưa đầy một tuần của ông Trump cho rằng không thể quy trách nhiệm cho cựu tổng thống vì ông chưa từng xúi giục bất kỳ ai “tham gia vào hành vi phá hoại”. Họ nói thêm rằng những người chịu trách nhiệm cho vụ bạo loạn đang bị điều tra và truy tố.
Mặt khác, bản cáo trạng của đảng Dân chủ tập trung mô tả nỗi kinh hoàng mà các chính trị gia và nhân viên Điện Capitol trải qua trong hơn 4 giờ hỗn loạn.
“Một số nghị sĩ gọi điện cho người thân vì sợ họ sẽ không sống sót sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ (cựu) Tổng thống Trump”, các hạ nghị sĩ Dân chủ viết.
Theo các công tố viên của Hạ viện, hành vi của ông Trump không chỉ “gây nguy hiểm đến tính mạng của các thành viên quốc hội” mà còn “đe dọa quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”.
Viện dẫn cho luận điểm trên, các nhà lập pháp dùng trường hợp của ông Mike Pence làm ví dụ. Thời điểm đó, ông Pence đã bị đám đông săn lùng vì không dùng quyền lực của chủ tịch Thượng viện để lật ngược kết quả bầu cử.
Đoạn video ghi lại cảnh hỗn loạn cho thấy những người biểu tình hô vang: “Treo cổ Mike Pence!” ngay trong tòa nhà quốc hội vì cho rằng ông đã phản bội cựu Tổng thống Trump.
|
Những người ủng hộ ông Trump đã hô lớn: "Treo cổ Mike Pence! Treo cổ Mike Pence!" sau khi chiếm đóng tòa nhà quốc hội. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, dù phía Hạ viện đưa ra bằng chứng thuyết phục đến đâu, nhóm pháp lý của ông Trump vẫn có thể lập luận rằng Thượng viện không có thẩm quyền luận tội cựu tổng thống, vì hiện ông đã mãn nhiệm, trở thành công dân bình thường.
Ở chiều ngược lại, các đảng viên Dân chủ bác bỏ quan điểm này. Họ chỉ ra rằng cựu Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap dù đã từ chức vào năm 1876 nhưng sau đó vẫn bị luận tội.
Họ cũng cho rằng theo Hiến pháp, Thượng viện được quyền ngăn ông Trump quay lại tranh cử cho vị trí tổng thống trong tương lai thông qua quá trình luận tội.
Lịch sử lặp lại?
Dẫu vậy, kịch bản ông Trump trắng án nhiều khả năng sẽ lặp lại. Bởi lẽ, 45 trong số 50 đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện, bao gồm Lãnh đạo thiểu số Mitch McConnell, bỏ phiếu phản đối phiên tòa luận tội.
Điều này phản ánh sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với cựu tổng thống. Do đó, ngay cả khi phiên xét xử diễn ra theo dự kiến, tất thảy 50 thượng nghị sĩ Dân chủ đều phải ủng hộ cáo buộc kết tội ông Trump. Họ đồng thời phải thuyết phục ít nhất 17 đảng viên Cộng hòa đồng ý kết tội cựu tỷ phú gốc New York.
Điều này được dự đoán sẽ khá khó khăn. Bởi dù ông Trump đã rời nhiệm sở, “chủ nghĩa Trump” và sức ảnh hưởng của cựu tổng thống vẫn đang duy trì trong nội bộ đảng Cộng hòa nói riêng và trên chính trường Mỹ nói chung.