Ông Tập Cận Bình nắm quyền lực: châu Á lo lắng?

Google News

(Kiến Thức) - Mối lo lắng tiếp theo của châu Á là việc quyền lực tại Trung Quốc tập trung vào tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc.

Trong bài viết của mình đăng trên tạp chí National Interest, Brad Glosserman – giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (CSIS) đã có những nhận định về việc quyền lực tập trung ở Trung Quốc tập trung vào tay Chủ tịch Tập Cận Bình. 
Kiến Thức xin lược dịch và giới thiệu cùng các bạn:
Ông Tập Cận Bình đi ngược lại truyền thống
Từ khi nhà lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, quyền lực ở Trung Quốc đã dần dần phân cấp. Những cải cách của ông Đặng Tiểu Bình đã thúc đẩy kinh tế phát triển trong khi quyền lực tối cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bị phân tán. Một phần của quá trình này là thiết lập thế hệ lãnh đạo Trung Quốc không có quyền lực tập trung trong tay như các nhà cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình mà thay vào đó là chuẩn mực nguyên tắc tập thể.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 
Sự thăng tiến của ông Tập Cận Bình lên vị trí hàng đầu như thách thức nguyên tắc này. Trong thời gian ngắn, ông đã nắm nhiều quyền hành và giữ nhiều chức vụ như Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung Ương, và tất nhiên là thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu hồ sơ đó không đủ ấn tượng, ông cũng lần lượt nắm giữ vị trí Trưởng ban được thành lập từ Hội nghị toàn thể lần thứ 3 tổ chức vào mùa thu năm ngoái như: Trưởng ban An ninh quốc gia và Trưởng ban Chỉ đạo đi sâu cải cách mở cửa Trung Ương. Những vị trí này đi cùng với hai tiểu ban khác mà ông cũng ở vị trí lãnh đạo, một về Ngoại giao và một vị trí khác về các vấn đề của Đài Loan. Ông cũng chủ trì thêm một nhóm mới để giám sát cải cách quân sự. Các nhà quan sát nhận thấy dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, kinh tế Trung Quốc có chuyển biến tốt, thế chỗ nhiều nhiệm vụ vốn là của Thủ tướng. Tân Hoa Xã cho biết ông cũng chủ trì nhóm kinh tế và tài chính, mô tả ông như giám đốc tức là vị trí đứng đầu.
Những hành động củng cố quyền lực của Tập Cận Bình thật sự ấn tượng trong khi quyền lực của ông cũng đang được tăng cường bởi các chiến dịch chống tham nhũng do mình phát động. Con số kỷ lục các Đảng viên lên tới hàng chục ngàn đang bị xử lý kỷ luật và khởi tố về hành vi sai phạm. Các quan chức cấp cao, đang được ví như những “con hổ” trong giới truyền thông, bị săn lùng ráo riết, bao gồm cả những quan chức PLA cấp cao mà trước đó không nghĩ có thể đụng tới họ. Người ta đang chờ xem liệu Tập Cận Bình có “xuống tay” với một cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị hay không, đây từng được coi như một chức vụ miễn điều tra.
Một số ý kiến cho rằng việc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình là điều kiện tiên quyết để cải cách kinh tế.Những người khác lại lo lắng về quyền lực tập trung một cách lạc hậu, trong đó ông Tập Cận Bình cô lập, gạt bỏ và “nghiền nát” bất kỳ ai thách thức quyền lực của ông.
Những lo ngại về quyền lực Trung Quốc tập trung vào ông Tập Cận Bình
Về nguyên tắc, các chiến dịch chống tham nhũng có thể xoa dịu người dân Trung Quốc từng bị tham quan đối xử bất công. Nó phản ánh một cách gián tiếp trách nhiệm của đảng cầm quyền đối với công chúng. Và nếu ông Tập Cận Bình sử dụng “quyền lực tối thượng” này để đè bẹp sự kháng cự của nhóm lợi ích và chuyển đổi thành công nền kinh tế Trung Quốc ( nền kinh tế mà cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo gọi là “không ổn định, không cân bằng, thiếu sự phối hợp và không bền vững”) sang hướng tăng trưởng ổn định và bền vững, dựa vào tiêu thụ nội địa nhiều hơn xuất khẩu, thì đây sẽ là tin tốt cho cả người dân Trung Quốc và nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không có vẻ gì là quan tâm tới việc thúc đẩy các giá trị tự do mà Mỹ và nhiều bạn bè trong khu vực tin tưởng rằng điều đó có lợi cho công lý, sự thịnh vượng và hòa bình. Việc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình theo kiểu Mao Trạch Đông – trớ trêu thay, cũng là khuynh hướng khiến Bạc Hy Lai gặp rắc rối. Tuy nhiên, có rất ít nguy cơ Trung Quốc quay trở lại tệ sung bái cá nhân và các sự kiện tai họa như Cách mạng văn hóa rất khó lặp lại. Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều.
Tập trung quyền lực của lãnh đạo tối cao có thể làm tăng tính nhất quán và khả năng dự đoán về chính sách, đơn giản hóa khâu ra quyết định và duy trì ổn định ở Trung Quốc, khi nước này đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Chỉ có một người chúng ta cần nói tới, đó là Tập Cận Bình. Nếu ông tiếp tục sử dụng quyền lực tối tượng này để theo đuổi lợi ích sống còn của Trung Quốc thì sẽ xâm phạm tới lợi ích của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Nếu chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình chỉ là một phần mở rộng của chính sách đối nội, người ta không rõ chính sách này liệu có thành công hay không. Tuy nhiên, dựa vào những gì mà Trung Quốc đã làm cho đến nay, người ta có cảm giác rằng dường như ông Tập Cận Bình đang sa vào cái bẫy mà ông Đặng Tiểu Bình từng cảnh báo: đó là khiến cho các nước láng giềng phải liên kết với nhau để chống lại Bắc Kinh, trước khi công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc được hoàn tất.
Đài Trang

Bình luận(1)

Minh Hiền

haipthd

Khi cấp cao nhất đã có vấn đề và tham nhũng thì các cấp dưới từ Trung ương đến địa phương cũng vậy. Quan chức các cấp làm việc không phải vì lương, không phải vì cống hiến cho nhân dân, đất nước mà vì những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân thì có thể chỉ trừng phạt một vài cá nhân được không. Nhân dân ngày càng bần cùng và bị phân hoá giàu nghèo sâu sắc có chấp nhận mô hình tổ chức hệ thống chính trị và cá nhân các cán bộ của bộ máy cũ đã vấy tham nhũng, bè phái vì lợi ích cá nhân không? Tập quyền vào 1 người chỉ có giá trị tích cực là cầm cự trong thời gian ngắn với một xã hội hỗn loạn thôi.