Bãi cạn Scarborough: Trung Quốc giao kèo và lật lọng
Trong các tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, Việt Nam và Philippines dường như có nhiều điểm tương đồng, thậm chí là “kịch bản” đã lặp lại khi tranh chấp leo thang gây ra căng thẳng kéo dài. Điển hình như cuộc đối đầu giữa Trung Quốc - Philippines tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và giữa Trung Quốc – Việt Nam tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Scarborough là một bãi cạn mà cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Phía Trung Quốc cho rằng, nơi này là một phần của quần đảo Trung Sa còn Philippines thì khẳng định mình đã thực thi chủ quyền với bãi ngầm này từ năm 1965.
|
Bãi cạn Scarborough. |
Căng thẳng bắt đầu bị leo thang từ ngày 8/4, khi Philippines phát hiện một số tàu cá Trung Quốc cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 230km về phía tây. Soái hạm RP Gregorio del Pilar của Philippines được cử đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân nước này. Liên tiếp trong khoảng 2 tháng sau đó, cả hai bên liên tục điều động các tàu tới đây, kèm theo hàng loạt các tuyên bố ngoại giao cứng rắn từ chính phủ.
Tới 18/6/2012, trang Rappler dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines: “Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc tham vấn với phía Trung Quốc và chúng tôi cùng đi đến kết luận rằng cả hai bên sẽ rút tàu khỏi khu vực đầm phá (ở trung tâm bãi cạn)”.
Ngày 26/6, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Del Rosario cho biết: “Chúng tôi đã nhận tin rằng tất cả tàu cá Trung Quốc đều rời khỏi bãi cạn”. Trên thực tế, trong ngày này, theo thông tin mà Inquirer cung cấp, ít nhất 28 tàu Trung Quốc các loại hiện diện xung quanh đầm phá của bãi Scarborough.
Trung Quốc nhanh chóng xây dựng một rào chắn tại lối vào nhỏ hẹp của bãi cạn ngay sau đó. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc được lệnh canh gác để ngăn tàu Philippines quay lại. Kể từ thời điểm này, quyền kiểm soát Scarborough/Hoàng Nham nằm trong tay Trung Quốc cho tới bây giờ.
Chiêu bài cũ tại vùng biển Hoàng Sa với Việt Nam?
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc di chuyển bất hợp pháp giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vị trí đầu tiên cách đảo Lý Sơn 119 hải lý.
|
Tàu Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 khi giàn khoan này hạ đặt trái phép bên trong vùng biển Việt Nam. |
Hành động đơn phương này của Trung Quốc không những xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà dường như còn thách thức các quốc gia ven biển khu vực Đông Nam Á bởi ký kết DOC giữa Trung Quốc và ASEAN cuối cùng không là gì trong mắt chính quyền Trung Quốc. Việt Nam điều động lực lượng chấp pháp trên biển (Kiểm ngư và cảnh sát biển) tới khu vực này tiếp cận, ngăn cản và xua đuổi giàn khoan.
Cuộc họp báo quốc tế đầu tiên trong sự việc căng thẳng này do Việt Nam tổ chức vào chiều 7/5 đã cung cấp cho báo giới trong nước và quốc tế các thông tin, hình ảnh cụ thể chứng minh hành động sai phạm và hung hăng của Trung Quốc.
Ngày 8/5, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và sự vụ biển đảo thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc nói với báo giới: “Trung Quốc sẵn sàng đàm phán, nhưng Việt Nam phải rút tàu của mình”.
Hà cớ gì Việt Nam phải rút tàu chấp pháp của mình trên vùng biển Việt Nam? Và nếu như có một mong muốn giải quyết thông qua biện pháp hòa bình, chẳng phải Trung Quốc đã không tự đẩy căng thẳng lên tới mức đối đầu? Đến đây, có lẽ Trung Quốc muốn “giàn xếp” một kịch bản Scarborough thứ hai để hiện thực hóa đường yêu sách lưỡi bò? Để âm mưu biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp?
Đêm 15/7/2014,
Tân Hoa Xã đăng tải thông báo cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển về phía đảo Hải Nam để làm nhiệm vụ. Chưa biết sau đó sẽ như thế nào, Trung Quốc sẽ có mưu đồ gì tiếp theo, nhưng vào thời điểm này, những gì Trung Quốc nói không rõ ràng và đảm bảo, thật giả lẫn lộn. Không phải vô cớ khi các chuyên gia thế giới lên tiếng cho rằng Việt Nam cần
cảnh giác.