Như tin đang được đăng tải rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, thảm họa hàng không với máy bay chở khách Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines xảy ra vào hôm qua, 17/7 đã khiến toàn bộ 295 hàng khách và phi hành đoàn tử nạn. Máy bay rơi xuống thị trấn Shakhtyorsk thuộc khu vực thành phố Donetsk, đông nam Ukraine.
Theo Telegraph cũng như nhiều trang báo uy tín khác, vũ khí nghi bắn hạ MH17 được cho là Buk - hệ thống phòng không đa kênh tầm trung lừng danh được phát triển bởi Liên Xô cũ. Tuy nhiên, câu hỏi về thủ phạm đã điều khiển tên lửa bắn vào máy bay Malaysia thì vẫn chưa có lời giải.
Cần nhớ rằng, máy bay MH17 bị rơi trong không phận vùng Donetsk và cách biên giới Nga chưa tới 40km. Đây là khu vực đang xảy ra chiến sự giữa một bên là Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng với chính phủ Kiev. Vì vậy, không khó hiểu khi cả quân Donetsk, quân chính phủ Ukraine và thậm chí là cả quân đội Nga đều nằm trong vòng nghi vấn.
|
BUK-M1 (SA-11) đang được cho là vũ khí hạ sát MH17.
|
Sau khi sự việc nghiêm trọng xảy ra, các bên liên quan ngay lập tức đều đưa ra thông báo phủ nhận liên can và không quên cáo buộc trách nhiệm cho kẻ thù của mình. Dù vậy, họ đều không đưa ra được bằng chứng xác đáng. Trong lúc chờ có một kết luận chính thức từ các cuộc điều tra, hãy đánh giá khả năng “gây án” của ba “nghi phạm” trên:
1. Lực lượng tự vệ của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự phong
Lực lượng này là đối tượng cáo buộc của chính quyền Kiev. Quả thực có nhiều căn cứ để có thể đưa ra một cáo buộc đối với Tự vệ Donetsk.
Quân nổi dậy luôn cố gắng bắn hạ tất cả các máy bay quân sự Ukraine xâm nhập vào không vận khu vực họ đang chiếm giữ. Họ đã trên một lần làm được điều này. Tuy nhiên, khả năng tình báo và trinh sát có phần hạn chế khiến quân Donetsk hoàn toàn có thể bị nhầm lần giữa một chiếc máy bay quân sự và dân sự. Nghi ngờ này càng được củng cố khi hướng di chuyển của MH17 là từ Tây sang Đông, nói cách khác máy bay Malaysia bay từ vùng trời Ukraine sang Nga (hoặc đông Ukraine).
Bằng chứng tiếp theo đến từ một đoạn video được đăng tải lên Youtube, quay lại cảnh cột khói trắng bốc lên sau tai nạn, nghĩa là người quay đã (chủ động?) tiếp cận khu vực này rất sớm. Theo tờ Foreign Policy, dân làng trong khu vực, có lẽ là những người trung thành với phiến quân đã “ăn mừng” khi chứng kiến thảm họa xảy ra.
Dấu hỏi về tiềm lực quân sự của phe miền Đông liệu có đủ bắn hạ một máy bay ở độ cao 10.000m. Theo
Stratfor, để làm được điều này tất nhiên là phải dùng đến các tên lửa phòng không tầm trung hoặc cao. Chính phủ Ukraine đã tố cáo Nga cung cấp hệ thống BUK-M1 (SA-11) cho quân nổi dậy. Một phóng viên
AP có mặt tại miền đông Ukraine tuyên bố đã nhìn thấy hệ thống BUK của lực lượng Tự vệ Donetsk.
|
Phiên quân được trang bị vũ khí, khí tài rất đầy đủ. Không có gì bất ngờ nếu họ sở hữu một hệ thống phòng không như Buk.
|
Thậm chí hãng thông tấn nga Itar-Tass ngày 29/6 còn đưa tin, Tự vệ Donetsk chiếm được hệ thống Buk tại một căn cứ phòng không của Ukraine ở tỉnh này.
2. Quân đội Ukraine
Quân đội Ukraine với tư cách là quốc gia lớn nhất sau Nga trong không gian hậu Soviet, họ được thừa kế một kho vũ khí khổng lồ và uy lực. Bắn hạ một chiếc máy bay chở khách là điều tương đối dễ dàng.
Cũng cần phải nhắc đến, Ukraine có lịch sử bắn nhầm máy bay chở khách. Hãng tin RT dẫn lời phi công kiêm chuyên gia hàng không Yury Karash cho biết :" Hoàn toàn không loại trừ khả năng tên lửa Ukraine đã bắn trúng máy bay Malaysia. Ukraine từng dùng tên lửa bắn hạ máy bay TU-154 của Nga ngày 4/10/2001. Tôi không loại trừ máy bay Malaysia gặp số phận tương tự".
Cũng có thông tin cho rằng, chiếc MH17 bị bắn nhầm khi bay qua Ukraine gần như cùng một tuyến lộ trình với phi cơ chở ông Putin trước khi xảy ra vụ bắn hạ làm 295 người thiệt mạng.
Hãng tin Itar-Tass dẫn nguồn tin cho biết: "Chuyên cơ chở ông Putin có mặt ở địa điểm xảy ra tai nạn là lúc 16h21 (giờ Moscow) và chiếc máy bay Malaysia là 15h44 (giờ Moscow). Các đường nét, màu sắc và cả kích thước cũng rất giống nhau. Nhìn từ một khoảng cách khá xa, chúng gần như giống hệt nhau”.
Nhưng nếu đó là sự thật thì tại sao Kiev lại hành động như vậy? Có thể quân Ukraine nhầm lẫn đây là một phi cơ quân sự Nga bay vào không phận của họ. Có nguồn tin cho rằng MH17 đã vi phạm độ cao bay mà chính quyền Ukraine mới đặt ra cho tất cả các máy bay dân sự đi qua không phận nước này.
Tuy nhiên, lý do này là không quá thuyết phục vì dù đang có “chiến tranh gián tiếp” với Moscow nhưng các quan chức Kiev không ngớ ngẩn đến mức bắn rơi máy bay để trêu tức gã hàng xóm khổng lồ. Hơn nữa, họ cũng đang kêu gọi điều tra ngọn ngành nguyên nhân tai nạn.
3. Nga
Nga, cũng là nước bảo vệ cho “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” là “nghi phạm” cuối cùng trong thảm họa này. Tất nhiên là không phải bàn cãi về một tiềm lực quốc phòng hàng đầu thế giới. Ukraine đã nhiều lần cáo buộc các tên lửa Nga bắn hạ máy bay của họ, điển hình là vụ Su-25 vào hôm 16/7. Cùng ngày còn có thêm một cáo buộc tấn công Su-25 khác nhằm vào Nga. Hôm thứ 2 (14/7), Kiev cũng tuyên bố máy bay vận tải quân sự của mình rơi là do tên lửa Nga.
Có thể giả thiết, máy bay Malaysia tiến về phía Nga từ Ukraine nên Moscow đã bị nhầm lẫn trong việc xác định bạn-thù. Tuy nhiên, Nga sở hữu một hệ thống trinh sát, tình báo, cảnh báo trên không nhiều tầng lớp và vô cùng hiện đại, họ không phải là những phiến quân du kích. Việc nhầm lẫn như vậy gần như chỉ có trong tưởng tượng. Hơn nữa, Moscow cũng đã phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc của Kiev về vụ Su-25 cũng như máy bay vận tải quân sự.
|
Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với người đồng cấp Mỹ. Sự việc đang khiến Moscow rất đau đầu.
|
Tóm lại, đến thời điểm này có thể thấy phiến quân miền đông là lực lượng có khả năng cao nhất thực hiện vụ tấn công và Nga cũng nhiều khả năng bị gán trách nhiệm cho thảm họa vì tất cả mọi thứ từ vũ khí đến con người đều có rất nhiều mối liên hệ với Moscow.
Tình hình hết sức rối ren. Nhưng cũng có thể nhận định rằng, hành động khai hỏa tên lửa phòng không nhằm vào một máy bay chở khách như MH17 gần như là một “tai nạn” vì dù là Nga, chính phủ Kiev hay phiến quân Donetsk đều không muốn bị hứng chịu sự căm phẫn và lên án của cộng đồng quốc tế kèm theo đó là sự hậu thuẫn cho kẻ thù của mình sau thảm họa này.